Quan chức châu Âu: Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không quan trọng đối với EU

09:02' - 24/02/2021
BNEWS Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) Ditte Juul Jorgensen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) không cần đến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) Ditte Juul Jorgensen ngày 23/2 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) không cần đến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 để đảm bảo an ninh năng lượng, song bất kỳ quyết định nào về việc đình chỉ dự án cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Đức đều phụ thuộc vào phía Berlin.
Phát biểu trước các nghị sỹ tại Ủy ban công nghiệp thuộc Nghị viện châu Âu, bà Juul Jorgensen nêu rõ: “Đối với EU nói chung, Dòng chảy phương Bắc không đóng góp vào an ninh nguồn cung”.

Những dự án đầu tư trong suốt những năm 2010 vào các đường ống, trạm tiếp nhận và cổng kết nối nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Âu đã đảm bảo đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu năng lượng của khối.
Theo bà Juul Jorgensen, mọi quyết định đình chỉ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đều sẽ phụ thuộc vào phía Đức.

Quan chức EC nhấn mạnh: “Trên thực tế, đình chỉ hoạt động xây dựng cần đến một quyết định ở cấp quốc gia. Đây không phải là một quyết định có thể được đưa ra ở cấp châu Âu”.
Cho đến nay, Chính phủ Đức khẳng định không thay đổi lập trường cơ bản ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức.
Dự án Dòng chảy phương Bắc ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020, được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), hoạt động từ năm 2012 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic.

Dự án này dự kiến xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ bờ biển Nga đi qua Biển Baltic đến Đức.

Đến nay, 94% dự án đã được hoàn thành và chỉ còn một đoạn đường ống dài khoảng 120 km ở vùng biển sâu ngoài khơi Đan Mạch và khoảng 28 km trong vùng biển của Đức.
Tuy nhiên, việc lắp đặt các tuyến đường ống trên đã bị ngưng trệ do Mỹ, quốc gia đang thúc đẩy bán khí đốt hóa lỏng của mình sang châu Âu, đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với dự án vào tháng 12/2019 như một phần của Đạo luật Bảo vệ Năng lượng cho châu Âu (PEESA), yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm đặt đường ống ngừng hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục