Quan chức Fed: Mỹ sẽ cần vài năm để đưa lạm phát trở lại mức 2%

14:25' - 20/06/2022
BNEWS Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh tại Cleveland, bà Loretta Mester, cho rằng nguy cơ suy thoái đang ngày càng gia tăng và nước Mỹ sẽ mất nhiều năm để có thể đưa lạm phát trở lại mức 2%.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Financial Times ngày 19/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh tại Cleveland, bà Loretta Mester, cho rằng nguy cơ suy thoái đang ngày càng gia tăng và nước Mỹ sẽ mất nhiều năm để có thể đưa lạm phát trở lại mức 2%.

Tuy nhiên bà Mester cũng trấn an thị trường khi không cho rằng suy thoái sẽ thực sự diễn ra. Vị quan chức của Fed khẳng định việc cần làm hiện nay là điều chỉnh để giúp cán cân cung cầu trở nên cân bằng hơn.

Cùng ngày Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng đã trả lời trên kênh ABC và thừa nhận khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc tăng trưởng trong thời gian tới, song cho rằng nước này vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái. Bà Yellen cũng tỏ ra hy vọng nước Mỹ sẽ sớm chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, động thái tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm của Fed trong tuần trước sẽ tạo tiền đề để cơ quan này triển khai các chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Mức lãi suất được cho là sẽ điều chỉnh tăng lên 3,8% vào năm 2023 và phần lớn kế hoạch gia tăng tiệm cận mức lãi suất này sẽ được Fed thúc đẩy trong năm nay.

Trước đó, Thống đốc Christopher Waller cũng bày tỏ ủng hộ quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7/2022, nếu các số liệu chứng minh rằng việc các biện pháp điều tiết lạm phát của Fed chưa đủ mạnh.

Bộ trưởng Yellen nhận định khả năng chi tiêu, tiêu dùng của người dùng giảm do lãi suất tăng sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới kinh tế suy thoái. Dù vậy, bà khẳng định thị trường lao động của Mỹ đang ở trạng thái mạnh mẽ, bất kỳ lao động thất nghiệp nào ở Mỹ cũng sẽ tìm được ngay cho mình ít nhất hai việc làm.

Bộ trưởng Yellen cũng tái khẳng định lập luận của Chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng chính khủng hoảng chiến sự Nga - Ukraine là một trong số các nguyên nhân gây ra lạm phát phi mã. Cuộc chiến đã đẩy giá thực phẩm và giá năng lượng trên phạm vi toàn cầu thời gian vừa qua tăng kỷ lục.

Trong khi đó, tình hình COVD-19 phức tạp tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động cũng đã làm phức tạp thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden được cho là đang tìm kiếm các biện pháp bao gồm làm việc với Quốc hội để có thể làm giảm giá một số mặt hàng như thuốc và một số sản phẩm tiện ích, nhằm tháo gỡ khó khăn về gánh nặng chi phí cho người dân. Một số biện pháp giúp giảm giá xăng dầu cũng dường như đang được cân nhắc, trong đó cả khả năng tạm dừng áp thuế khí đốt liên bang./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục