Quan chức Fed ủng hộ tiếp tục tăng lãi suất

14:09' - 29/09/2022
BNEWS Raphael Bostic, Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bày tỏ ủng hộ ngân hàng này tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp định kỳ vào tháng 11 tới.

Báo Financial Times ngày 28/9 dẫn lời ông Raphael Bostic, Chủ tịch chi nhánh Atlanta của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bày tỏ ủng hộ ngân hàng này tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp định kỳ vào tháng 11 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, quan chức Fed đưa ra ý kiến trên trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại việc Fed liên tục tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Mỹ và toàn cầu.

 

Ông Bostic kêu gọi Fed quan tâm hơn tới các bất ổn địa chính trị và kinh tế trên thế giới, nhưng cũng khẳng định nền kinh tế và hệ thống tài chính của Mỹ đã được củng cố và tăng cường sức chống chọi. Theo ông Bostic, lạm phát vẫn ở mức cao và kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt là các cơ sở để Fed có thể quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 11 và thêm 0,5% vào tháng 12.

Với các mức tăng như trên, lãi suất cho vay dự kiến tới cuối năm 2022 sẽ ở trong khoảng từ 4,25 %-4,5 %. Ông Bostic cũng cho rằng bên cạnh chỉ số lạm phát, Fed cũng cần dựa trên các số liệu khác để có thể đưa ra các điều chỉnh chính sách tiền tệ, tránh thắt chặt quá mức so với thực tế tình hình kinh tế - tài chính Mỹ.

Trong bối cảnh Fed liên tiếp tăng lãi suất, nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ bày tỏ quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ và toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023. Trung tâm nghiên cứu Ned Davis công bố báo cáo dựa trên mô hình xác suất cho thấy nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023 lên tới 98,1 %, mức được coi là nghiêm trọng.

Con số này tương đương giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và giai đoạn đầu bùng phát đại dịch COVID-19 năm 2020.

Kết quả thăm dò ý kiến nhóm 10 chuyên gia kinh tế của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy có tới 7 chuyên gia cho rằng có khả năng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái.

Khảo sát khác từ WEF cho thấy có tới 79% ý kiến lo ngại việc giá thực phẩm và năng lượng không giảm, kéo theo chi phí sinh hoạt tiếp tục ở mức cao có thể dẫn tới tình trạng bất ổn xã hội ở các nước thu nhập thấp; 20% ý kiến cho rằng tình trạng này sẽ xảy ra ở cả các nước thu nhập cao.

Dù vậy, cũng có những đánh giá lạc quan cho rằng nền kinh tế Mỹ có nhiều điểm sáng. Thị trường việc làm của Mỹ vẫn đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất từ kể từ năm 1969; người tiêu dùng vẫn chi tiêu mạnh và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn giữ đà tăng tích cực.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng tình trạng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt trong các tháng tới khi khả năng cung ứng hàng hóa sẽ bắt kịp nhu cầu mua sắm tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục