Quan điểm không đồng nhất ở CH Czech về vấn đề sử dụng đồng euro

06:30' - 28/07/2021
BNEWS Theo một cuộc khảo sát mới đây, 57% các nhà xuất khẩu tại Cộng hòa Czech ủng hộ việc sử dụng đồng euro, 29% trong số đó hoan nghênh bước đi này càng sớm càng tốt.

Tác giả Lukáš Kovanda - chuyên gia kinh tế của ngân hàng Trinity Bank và là thành viên của Hội đồng Kinh tế quốc gia thuộc Chính phủ Czech (NERV) - đã đề cập đến khả năng Cộng hòa Czech có thể gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong phân tích trên trang Thông tin Tài chính và Kinh tế Czech faei.cz.
Theo tác giả bài viết, giá cả đang tăng lên đáng kể ở Czech và các diễn biến trước đại dịch cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lạm phát ở nước này tăng nhanh hơn so với Eurozone. Trong khi đó, mức tăng tiền lương điều chỉnh theo lạm phát trong những năm trước đại dịch ở Czech cao hơn đáng kể so với ở Eurozone. 
Bên cạnh đó, đà giảm giá của đồng koruna so với euro trong năm ngoái đã góp phần khiến lạm phát ở Czech tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng koruna cho phép các công ty thương mại có được khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và thu về nhiều tiền hơn sau khi quy đổi theo tỷ giá hối đoái. Đây là lý do tại sao Czech hiện vẫn duy trì tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, theo dữ liệu tháng 6/2021 là 3,7%.
Trên thực tế, ngay cả trong thời điểm kinh tế khó khăn, toàn bộ khu vực Eurozone đang cố gắng gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền chung để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, trong khi đồng koruna đang suy yếu một cách khá tự nhiên, thì đồng euro có xu hướng giảm giá sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng biên độ dao động mà ECB lý giải là đã tăng lên trong thời gian đại dịch. 
ECB có thể dễ dàng tạo ra hàng chục và hàng trăm tỷ euro "từ con số không" bằng cách mua lại nợ, chẳng hạn như nợ của Hy Lạp hoặc Italy. Do đó, các chính phủ ở Athens và Rome đã được giảm một phần chi phí trong khoản nợ công khổng lồ của họ. Tình trạng nợ nần chồng chất và kinh tế trì trệ kéo dài của các quốc gia như Hy Lạp hay Italy sau đó tạo ra áp lực giảm phát, làm giảm mức độ lạm phát trên toàn khu vực đồng euro.
Trong khi nợ công của Czech hiện tương đương khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ của Eurozone vào khoảng 100% GDP. Vì vậy, theo tác giả bài viết, thật ngạc nhiên khi nhiều người Czech muốn sử dụng đồng euro trong khi Czech lại không thu được nhiều lợi ích mà phải chia sẻ khoản nợ với một chủ thể kinh tế mắc nợ nhiều hơn.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát mới đây của Raiffeisenbank và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Czech, 57% các nhà xuất khẩu hiện ủng hộ việc sử dụng đồng euro, 29% trong số đó hoan nghênh bước đi này càng sớm càng tốt. Ngược lại, 25% các nhà xuất khẩu hoàn toàn từ chối đơn vị tiền tệ châu Âu, do lo ngại sự sụp đổ của Eurozone hoặc cuộc khủng hoảng đồng euro.
Theo nhà kinh tế trưởng Helena Horská của Raiffeisenbank, cuộc khảo sát được thực hiện với 40 nhà xuất khẩu; 21% các nhà xuất khẩu ủng hộ việc sử dụng đồng euro vào một thời điểm nào đó trong tương lai xa và 7% số người được hỏi không ủng hộ động thái này ít nhất trong 3-5 năm tới.
Theo cuộc khảo sát, 18% các nhà xuất khẩu của Czech không "mặn mà" với việc sử dụng đồng euro. Nhiều người cho rằng đồng euro hoặc bất kỳ loại tiền tệ chung nào không có khả năng tự điều tiết. Đồng tiền thanh toán không quyết định được số lượng đơn đặt hàng mới hay thị trường mới, mà sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh mới là yếu tố mở ra cánh cửa cho các nhà xuất khẩu đến với các khách hàng.
Vào tháng 4/2021, Chính phủ Czech đã phê duyệt một chương trình và kế hoạch để nền kinh tế gia nhập Eurozone. Bộ Tài chính dự kiến nợ công sẽ tăng lên 54,6% GDP vào năm 2024, từ mức 44,8% GDP dự kiến của năm nay. Nếu chính phủ thu chi theo đúng kế hoạch đề ra, nợ công sẽ tăng lên 52,8% GDP.

Năm ngoái, nợ công của nước này ở mức 38,1% GDP. Trong các trường hợp lý tưởng, nếu không có ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu một quốc gia có thâm hụt tài chính dưới 3% GDP và nợ dưới 60% GDP để có thể tham gia khu vực sử dụng đồng euro.
Tháng 12/2020, trong một báo cáo thường kỳ chung, Ngân hàng Quốc gia Czech và Bộ Tài chính một lần nữa khuyến nghị chính phủ không đặt ra thời hạn mục tiêu cho việc gia nhập khu vực đồng euro. Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Andrej Babiš đã nói rằng Czech sẽ không tìm cách gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục