Đồng euro đối mặt với một tương lai bất ổn?

05:30' - 18/04/2021
BNEWS Theo phân tích của Financial Times, đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong tỷ lệ mà các ngân hàng trong Eurozone nắm giữ chứng khoán, tài sản đảm bảo và các khoản vay do chính phủ các nước này phát hành.

Sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, châu Âu tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công năm 2010. 

Ngày nay, trong bối cảnh các nền kinh tế đang cố gắng hồi phục từ những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, giới quan sát lại đặt câu hỏi liệu lịch sử có lặp lại đối với “Lục địa Già” sau khi khủng hoảng qua đi? 

Cách đây hơn một thập kỷ, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, các quốc gia Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha đều cần được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cứu trợ vì các nhà đầu tư đã mất niềm tin vào việc những nước này có khả năng thực hiện chi trả các khoản nợ của mình.

Các chính sách kinh tế cắt giảm sâu sắc được áp dụng ở Hy Lạp như một điều kiện của gói cứu trợ đã đe dọa đến sự ổn định chính trị.

Hiện tại, việc phân tích về một cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai có vẻ là một câu hỏi xa vời vì hố sâu COVID-19 vẫn đang còn ngày càng sâu hơn.Làn sóng thứ ba của dịch bệnh này đã buộc Pháp, Đức và một số quốc gia khác phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, điều mà các nước này hy vọng có thể tránh được. 

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cảnh báo rằng nợ chính phủ có thể một lần nữa ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Theo phân tích của Financial Times, đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong tỷ lệ mà các ngân hàng trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) nắm giữ chứng khoán, tài sản đảm bảo và các khoản vay do chính phủ các nước này phát hành.

Con số này tổng cộng đã tăng thêm 140 tỷ bảng Anh, đạt mức 2.100 tỷ bảng Anh, trong 12 tháng qua.

Cuộc khủng hoảng 2008-2009 đã bộc lộ một vấn đề với đồng euro mà các nhà phê bình đã cảnh báo từ lâu nhưng lại bị những người sáng lập ra đồng tiền này phớt lờ.

Một quốc gia trong Eurozone khi gặp khó khăn về kinh tế sẽ không thể phá giá đồng tiền để làm cho hàng xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn và nhờ đó thúc đẩy nền kinh tế của mình.Song song với đó, quốc gia này cũng phải đối mặt với nhiệm vụ chính trị khó khăn hơn nhiều là cố gắng cắt giảm tiền lương nhằm duy trì tính cạnh tranh.

Một vấn đề khác khó khăn không kém, đó là một quốc gia trong Eurozone tự thấy mình bị đè nặng bởi gánh nặng nợ nần sẽ không thể làm như Anh, Mỹ và tất cả các quốc gia khác có đồng tiền chủ quyền của riêng mình có thể làm đó là in tiền để mua các khoản nợ của chính mình. 

Đó có thể không phải là điều khôn ngoan, nhưng các nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ và Anh có thể cảm thấy an toàn một cách hợp lý rằng họ thà in tiền hơn là vỡ nợ, và do đó, các nhà đầu tư không phải lo lắng quá mức về việc cắt lỗ. 

Trong khi đó, các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Hy Lạp và Italy có thể cảm thấy thiếu tự tin hơn rất nhiều vào việc ECB sẽ nhảy vào và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ - đó là lý do tại sao lãi suất trái phiếu của những nước này đã tăng vọt cách đây một thập kỷ.

Trong một thời gian dài, dường như những người nắm giữ các trái phiếu đó phải chấp nhận việc chỉ được hoàn trả một phần số vốn của họ. 

Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực Eurozone chưa bao giờ thực sự biến mất.

Cuộc khủng hoảng này đã được tạm “góm ghém” lại, nhưng những căng thẳng do đồng euro tạo ra vẫn tiếp tục gây “đau đớn” cho các quốc gia thành viên.

Hiện tại, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào làn sóng bùng phát COVID-19 thứ ba tại châu Âu và cách các nước như Pháp và Đức xử lý khi số ca bệnh gia tăng. 

Ngoài ra, một vấn đề nữa ở châu Âu là tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tiêm chủng ở Anh và Mỹ, kết quả của một kế hoạch mua vaccine thiếu chuẩn bị trước và mức độ hiểu biết về vaccine thấp của dân chúng.

Làn sóng thứ ba của đại dịch rồi sẽ qua đi và tỷ lệ tiêm chủng sẽ tăng lên khi có lượng lớn vaccine được phân phối trong mùa Hè. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là làm sao để giải quyết tình trạng nợ công cao trong Eurozone, nơi các quốc gia không có đồng tiền chủ quyền của riêng mình. 

Vấn đề này có khả năng sẽ bùng phát trở lại trong 1 hoặc 2 năm tới. Song song với đó, tương lai của đồng euro cũng là một vấn đề bỏ ngỏ và châu Âu, kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, một lần nữa có thể trở thành “kẻ tụt hậu” khi khu vực Bắc Mỹ và châu Á phục hồi sau đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục