Quan hệ liên Triều: Hợp tác cùng phát triển chưa bao giờ là dễ dàng (Phần 1)

05:30' - 04/10/2018
BNEWS Có ý kiến cho rằng Hàn Quốc đang dùng lá bài kinh tế để dỗ ngọt Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, vãn hồi hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy đà phát triển của nền kinh tế thứ 4 châu Á.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AFP/TTXVN 
* Những hậu ý của Seoul

Từ sau thượng đỉnh Hàn Quốc-Triều Tiên lần thứ nhất tại Bàn Môn Điếm ngày 27/4, nhất là sau cuộc hội ngộ lịch sử với Tổng thống Mỹ tại Singapore hồi tháng 6, hình ảnh chính thức của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được báo chí Bình Nhưỡng đăng tải cho thấy ông đi thăm các nông trại, các nhà máy, thay vì đến thị sát các cơ sở hạt nhân. Đảng Lao động Triều Tiên nhân đại hội vào mùa Xuân năm nay đưa ra khẩu hiệu “dốc toàn lực để phát triển kinh tế”.

Nắm bắt được thiện chí đó, tại Seoul ngày 15/8, nhân kỷ niệm 83 năm giải phóng đất nước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi, “cùng nhau xây dựng hòa bình và thúc đẩy con tàu kinh tế để ngăn ngừa chiến tranh”. Seoul đã tăng cường 14% ngân sách cho các hoạt động hợp tác Liên Triều trong tài khóa 2019.

Trong chuyến công du Bình Nhưỡng từ ngày 18-20/9, Tổng thống Moon Jae-in mời một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân Hàn Quốc tháp tùng, trong đó có các đại diện của Hyundai. Ông Chung Ju Yung - sáng lập viên tập đoàn xe hơi Hyundai - sinh thời đã đóng góp rất nhiều cho chính sách Vầng Thái Dương dưới thời Tổng thống Kim Dae Jung cuối thập niên 1990. 

Cách đây 11 năm, lãnh đạo những tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc như SK (năng lượng và viễn thông), LG hay Hyundai từng cùng Tổng thống Roh Moo-hyun đến Triều Tiên, đã được cố lãnh tụ Kim Jong Il tận tình đón tiếp.

Lần này, Phó Thủ tướng Triều Tiên Ri Yong Nam tiếp các doanh nhân Hàn Quốc và các bên đã không bỏ lỡ cơ hội để chứng minh rằng dù Nam hay Bắc, người dân Triều Tiên “vẫn là một dân tộc”. 

Tất cả những nỗ lực của Hàn Quốc hướng về nước láng giềng anh em phương Bắc theo đuổi nhiều mục tiêu. Chặng đầu tiên nhằm làm sống lại các hoạt động kinh tế tại khu công nghiệp Kaesong đã bị đình chỉ từ năm 2016. Khu công nghiệp Kaesong nằm trên lãnh thổ Triều Tiên vốn là của Hàn Quốc. Seoul còn muốn khởi động lại các chương trình du lịch trong khu vực núi Kim Cương đã bị gián đoạn từ năm 2008.

Mục tiêu kế tiếp của Tổng thống Moon Jae-in là xây dựng hòa bình với nước láng giềng phương Bắc trên cơ sở thịnh vượng chung, một khi quốc tế xóa bỏ lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Hậu ý thứ ba, Seoul đang trông thấy tiềm năng của thị trường Triều Tiên sau này, cuối cùng Seoul muốn giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược.

* Phát triển kinh tế là nhu cầu cấp thiết với Triều Tiên…

Vào lúc các nhà quan sát đều không còn nghi ngờ gì về thiện chí của chế độ Kim Jong-un trong việc giành ưu tiên cho phát triển kinh tế, chuyên gia về Triều Tiên Jean-Raphaël Chaponnière, cựu tham tán kinh tế của sứ quán Pháp tại Seoul trong nhiều năm, một trong những cột trụ của báo mạng Asialyst cho rằng ưu tiên số một của Bình Nhưỡng giờ đây là phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Jean-Raphaël Chaponnière cho rằng cần phân biệt những thông báo chính thức, những điều các nhà quan sát tận mắt trông thấy với các biện pháp đo lường thể hiện qua các con số thống kê. 

Về thông báo chính thức, rõ ràng ông Kim Jong-un đang mở ra một con đường mới, ở đó hai vế kinh tế và quốc phòng đi song song với nhau. Điều này hoàn toàn khác hẳn so với thân phụ của ông trước đây là Kim Jong Il chỉ tập trung vào việc phát triển quân sự.

Đánh giá về sự thay đổi tại Triều Tiên trong những năm gần đây, chuyên gia Jean-Raphaël Chaponnière nhận định yếu tố đầu tiên cần nhấn mạnh là tất cả mọi người đều nhận thấy có những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, từ ở các công trường xây dựng cho các khu nhà ở. 

Nhiều tòa nhà cao tầng đã mọc lên ở thủ đô Bình Nhưỡng và tại các thành phố lớn. Số người sử dụng điện thoại cầm tay đã tăng lên hẳn trong một vài năm nay. Cùng lúc, cả một tầng lớp trung lưu, khá giả hơn đang nổi lên ở Triều Tiên và kèm theo đó những bất bình đẳng trong xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục