Quan hệ liên Triều: Hợp tác cùng phát triển chưa bao giờ là dễ dàng (Phần 2)

06:03' - 04/10/2018
BNEWS Nhân thượng đỉnh liên Triều đầu tiên tháng 4/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có đưa cho lãnh đạo Triều Tiên một ổ khóa USB với kế hoạch giúp nước láng giềng phương Bắc tái thiết kinh tế.
Quan hệ liên Triều: Hợp tác cùng phát triển chưa bao giờ là dễ dàng. Ảnh: TTXVN

Về mức thang đo lường, phải nói những thông tin liên quan đến toàn cảnh kinh tế Triều Tiên thuộc phạm trù bí mật quốc gia, các thống kê từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều cho thấy tăng trưởng tại Triều Tiên năm 2017 đã giảm mạnh khi Trung Quốc, đồng minh thân thiết của Triều Tiên, áp dụng nghiêm ngặt lệnh cấm vận quốc tế.

Giới phân tích thường xem đây là một phần động lực khiến Bình Nhưỡng đổi chiến lược và dồn nỗ lực vào phát triển kinh tế.

Ưu tiên của Triều Tiên khá đơn giản. Cần phát triển cơ sở hạ tầng, tuyến đường xe lửa tối tân nhất chạy với vận tốc là 40km/h. Các trục lộ giao thông, các bến cảng, hệ thống phân phối điện, nước... tất cả đều cần được đổi mới, cần được mở mang.

Nhân thượng đỉnh liên Triều đầu tiên tháng 4/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có đưa cho lãnh đạo Triều Tiên một ổ khóa USB với kế hoạch giúp nước láng giềng phương Bắc tái thiết kinh tế.

Nhu cầu thứ hai của Triều Tiên là nâng cấp mạng lưới công nghiệp. Triều Tiên là một quốc gia công nghiệp, cho dù trình độ phát triển ở cấp tồi tệ nhất với các nhà máy hoàn toàn lỗi thời và các phương tiện sản xuất nghèo nàn song Triều Tiên vẫn tự sản xuất được đầu máy xe lửa.

Triều Tiên làm chủ công nghệ tên lửa và có vũ khí nguyên tử trong tay. Quân đội nước này tuyển dụng hàng ngàn tin tặc...

Tất cả những nỗ lực của chế độ, đến nay, đều hướng vào công nghệ quốc phòng, vào các trang thiết bị quân sự. Với những nền tảng công nghiệp có sẵn, Triều Tiên sẽ không mất quá nhiều thời gian để phát triển, để mở rộng mạng lưới sản xuất đến những lĩnh vực khác. Chắc chắn là trên con đường phát triển đó, Bình Nhưỡng cần được Seoul hỗ trợ.

*… nhưng hợp tác cùng phát triển chưa bao giờ là bài toán dễ dàng

Từ khi Triều Tiên mở cửa, cách nay đã một vài năm, Trung Quốc hưởng lợi hơn hết. Dù Triều Tiên chỉ là một thị trường nhỏ nhưng lại có tiềm năng khá cao. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên để quốc gia này phát triển vẫn là tiến trình hòa bình. Nếu như vượt qua được thử thách này, tất cả các bên đều sẽ gặt hái được những thành quả kinh tế.

Có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, Triều Tiên có dân số chỉ bằng gần nửa so với Hàn Quốc nhưng dân số của miền Bắc tương đối trẻ hơn. Chỉ hai năm nữa, dân số Hàn Quốc trong tuổi lao động bắt đầu giảm và hiện tượng dân số già đi ở Hàn Quốc nghiêm trọng hơn cả so với Nhật Bản hay Trung Quốc.

Vì vậy Hàn Quốc cần có nguồn nhân lực mới, rất có thể từ Triều Tiên đổ sang. Lợi thế thứ hai của Triều Tiên là quặng mỏ. Trên hai điểm này Triều Tiên có thể bổ sung cho guồng máy sản xuất của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào quá khứ có thể thấy việc hợp tác cùng phát triển giữa hai miền Triều Tiên chưa bao giờ là dễ dàng. Tháng 6/2000, tập đoàn Samsung thông báo sớm tung ra thị trường những chiếc tivi sản xuất từ Triều Tiên.

18 năm sau, kế hoạch đó vẫn chưa thành. Ngoài ra, nhiều dự án hợp tác khác giữa Samsung và Triều Tiên vẫn bị chết yểu vì mối quan hệ sóng gió giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Kinh nghiệm này khiến nhiều tập đoàn Hàn Quốc phải thận trọng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ lôi kéo Triều Tiên vào vòng ảnh hưởng của mình, cả về mặt kinh tế, lẫn địa chính trị. Ông Kim Jong-un cũng sẽ không bỏ hết trứng vào một giỏ. Trong quá khứ Bình Nhưỡng đã tận dụng kẽ hở giữa Liên Xô với Trung Quốc để hưởng lợi, giờ đây về mặt kinh tế, Triều Tiên có lẽ sẽ đặt cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc trong thế cạnh tranh với nhau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục