Quản lý nhập khẩu phế liệu: Siết chặt từ khâu cấp phép
Hàng ngàn container phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam và tồn đọng tại các cảng biển. Không chỉ gây ách tắc cảng biển, các container này đang khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghiệp của thế giới.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng. Vì sao lại có tình trạng như vậy và việc này sẽ dẫn đến những nguy cơ gì? đâu là giải pháp trong thời gian tới? Để có thêm câu trả lời, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.Phóng viên: Câu chuyện ùn ứ hàng ngàn container phế liệu ở cảng Cát Lái, Hải Phòng đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội. Vậy tại sao lại có tình trạng như vậy và việc này sẽ dẫn đến những nguy cơ gì cho Việt Nam, thưa ông?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Việc tồn đọng hàng ngàn container phế liệu tại cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng hiện nay là vấn đề hết sức bức xúc và nghiêm trọng về môi trường. Tình trạng này không những cản trở, ảnh hưởng đến giao thông vận tải của cảng mà việc ứ đọng các chất ô nhiễm như vậy có thể là nguy cơ biến nước ta thành bãi rác của các nước phát triển, lâu dài gây ra ô nhiễm môi trường. Đây là sự yếu kém trong công tác quản lý bởi vì sự việc này đã kéo dài nhiều năm nay, các cơ quan thông tin đài báo đã lên tiếng báo động nhiều lần rồi, nhưng chưa được giải quyết hiệu quả. Bên cạnh đó là việc thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong việc nhập khẩu các phế liệu không đúng quy định, khi kiểm tra không được thông quan hàng hóa thì trốn tránh bỏ hàng tại cảng. Phóng viên: Theo Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu rất nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Vậy chúng ta lý giải thế nào về việc hàng ngàn container đang nằm tại các cảng? GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Theo tôi, Thông tư 41 có một số vấn đề quy định không có tính khả thi. Đó là phế liệu trong quá trình sản xuất công nghiệp và sinh hoạt thải ra bao giờ cũng đi kèm với những chất thải ô nhiễm. Không thể có phế liệu giống như nguyên liệu thực sự được. Ngay trong Phụ lục 1 của Thông tư 41/2015/BTNMT cho danh mục phế liệu được phép nhập khẩu cũng quy định những loại phế liệu rất thuần chất. Thí dụ, như phế liệu nhựa thì phải là phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer etylen, phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer stylen, phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer vinyl clorua, … thực tế thì không thể có chuyện chất thải lại phân loại ra được thuần chất chi tiết như vậy. Cũng tương tự như vậy, phế thải sắt thép cũng quy định phân ra phế liệu và mảnh vụn gang, phế liệu mảnh vụn thép không rỉ, phế liệu và mảnh vụn đồng, nicken, nhôm, kẽm, thiếc… Trên thực tế những phế liệu này ở nước mà Việt Nam nhập khẩu nếu thực sự đã được phân loại thuần chất theo đúng quy định của Việt Nam như vậy thì chắc chắn là họ dùng để tái chế, tái sử dụng trong nước, không bán cho nước ta. Chính vì vậy, việc nhập khẩu phế liệu của chúng ta đã bị lợi dụng đổ thải. Nhiều cơ sở sản xuất mua những loại phế liệu này không phải là mua mà là nhận hàng từ các quốc gia đổ thải, không những không mất tiền mua mà có khi còn được họ trả tiền.Phóng viên:Quay trở lại câu chuyện hàng ngàn container đang ùn ứ tại các cảng, theo ông, các ngành chức năng cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Trước hết cần phải kiểm điểm xem vì sao lại xảy ra hiện tượng tồn đọng này, ai là chủ sở hữu các container tồn đọng đó, container nào không có chủ sở hữu, vì sao? Quá trình xử lý vấn đề này có sự trì trệ, tồn tại nhiều năm. Vấn đề là phải kiểm tra, kiểm điểm để xác định nguyên nhân từ đó kịp thời sửa chữa, cũng như tìm ra giải pháp một cách khả thi phù hợp với tình hình kinh tế cũng như vẫn bảo đảm bảo vệ môi trường. Các phế liệu nhập khẩu đều có ít hoặc nhiều chất bẩn chứ không hoàn toàn là chất bẩn ô nhiễm. Như vậy chúng ta có thể chọn lọc ra để lấy nguyên liệu tốt phục vụ sản xuất, nhưng phải có biện pháp triệt để xử lý chất thải ô nhiễm chứa trong phế liệu đó. Vì vậy, nếu xác định được chủ sở hữu thì giao cho các cơ sở sản xuất đó, chủ sở hữu phải nộp phạt và có trách nhiệm xử lý các container chất thải vi phạm đồng thời giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi kiểm tra chặt chẽ xử lý và sử dụng phế thải của các cơ sở sản xuất này đảm bảo xử lý chất thải một cách an toàn theo đúng quy định về bảo vệ môi trường. Đối với các container tồn đọng vô chủ sở hữu thì cơ quan quản lý nhà nước để xẩy ra tình trạng vô chủ như vậy phải có trách nhiệm xử lý sao cho an toàn môi trường. Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu thời gian qua, đặc biệt là cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới? GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Việc phòng ngừa và kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu là hết sức quan trọng. Muốn bảo vệ môi trường được đồng thời vẫn đảm bảo cho cơ sở sản xuất có nguyên liệu tốt và rẻ thì việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu là không thể thiếu. Tuy nhiên việc kiểm soát ngoài biên giới Việt Nam là không khả thi và không được phép, vì vậy chúng ta chỉ có thể kiểm soát trên lãnh thổ Việt Nam. Việc đầu tiên và quan trọng nhất là kiểm soát việc cấp phép nhập khẩu phế liệu.Việc cấp phép hiện nay đang quá dễ dàng và có nhiều sơ hở. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cũng cấp phép là khó kiểm soát. Chỉ nên để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thì đúng hơn. Tuy nhiên, cũng để tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất ở miền Nam không tốn thời gian và tiền bạc trong việc xin giấy phép thì có thể đưa ra cơ chế để Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng được cấp phép. Như vậy chúng ta sẽ chỉ có 2 nơi được cấp phép nhập khẩu phế liệu, có thể giảm nguy cơ về việc nhập khẩu phế liệu ồ ạt như trong thời gian vừa qua. Song song với đó, việc cấp phép nhập khẩu phế liệu cũng cần hết sức thận trọng bởi thời gian qua đã có hiện tượng cấp phép cho những cơ sở “ma”, cơ sở không có nhu cầu thực tế cũng như không phải là cơ sở sản xuất đồng thời việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu cũng cần có sự thay đổi. Phóng viên: Để tránh nguy cơ trở thành “bãi rác” thế giới, chúng ta cần có phải có những giải pháp, hành động cụ thể nào, thưa ông? GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Đầu tiên chúng ta cần nghiêm túc xem xét và rút kinh nghiệm vì đã để tình trạng này xảy ra một thời gian dài. Cần phải xem xét lại từ văn bản quy định đến cơ chế, thực thi, cái gì không hiệu quả cần thay đổi ngay thì mới hy vọng có thể giải quyết được những tồn tại hiện nay. Văn bản pháp luật nếu không khả thi, không thực tế thì phải sửa. Đơn cử như vấn đề cấp phép phải thận trọng chứ không như thời gian qua vẫn có hiện tượng cấp phép cho những cơ sở “ma”. Cần phải giảm đầu mối cấp phép như trên đã nói và siết chặt các quy định về nhập khẩu phế liệu, hạn chế dần việc nhập khẩu phế liệu. Bên cạnh đó, chỉ cho những cơ sở có nhu cầu thật sự được nhập khẩu và không cho phép ủy quyền nhập khẩu. Đồng thời, việc ký quỹ phải thực hiện trước khi xin phép nhập khẩu chứ không thể để việc ký quỹ khi hàng đã nhập về cảng rồi. Nếu trong trường hợp hàng hóa vi phạm hay không phù hợp với quy định thì cần xử lý ngay bằng tiền ký quỹ đó, chứ không để tồn đọng kéo dài tại các cảng như hiện nay. Phóng viên: Xin cảm ơn!>>> Thông tin về vi phạm trong vụ nhập khẩu phế liệu của hai doanh nghiệp
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thanh tra 75 tổ chức, đơn vị về nhập khẩu phế liệu
14:39' - 27/08/2018
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tổng số thanh tra gồm 75 đối tượng, trong đó có 64 tổ chức, 10 Sở Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Môi trường.
-
Kinh tế Việt Nam
Phế liệu nhập khẩu tồn nhiều tại các cảng của Hải Phòng
20:10' - 24/08/2018
Phế liệu nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của một số ngành như sản xuất thép, sản xuất nhựa.
-
Kinh tế Việt Nam
Trên 100 tấn phế liệu nhập lậu qua biên giới Tây Ninh mỗi ngày
19:03' - 22/08/2018
Mặt hàng phế liệu nhập vào Việt Nam chủ yếu là các loại phế liệu nhựa, sắt, giấy, lon nhôm ép thành khối... với trên 100 tấn/ngày.
-
Kinh tế Việt Nam
Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với một số loại phế liệu
21:07' - 14/08/2018
Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với một số loại phế liệu.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Sớm giải quyết tình trạng nứt nhà do thi công cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
11:46'
Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công đường đầu cầu Tuyến nối TL3 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân.
-
Kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu thuỷ sản trước những thách thức khó lường
11:14'
Sau nhiều tháng tăng trưởng tốt ở mức 2 con số, xuất khẩu thuỷ sản tháng 6/2025 đã chững lại, dự báo nhiều thách thức trong nửa cuối năm.
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 15 luật, 1 pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua
11:06'
Các luật, pháp lệnh đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Kết quả khả quan từ việc đạt được đàm phán thương mại với Hoa Kỳ
10:47'
Việc Việt Nam đạt được kết quả đàm phán với Hoa Kỳ là kết quả rất tốt, khả quan từ nỗ lực, sự chủ động, chuẩn bị từ rất sớm, rất xa của Chính phủ, bộ ngành.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng hai con số trong 6 tháng đầu năm
10:07'
6 tháng đầu năm 2025, kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ trưởng 11,03% (đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố cũ).
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam tham gia cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế
08:19'
Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép và giao Cục Hàng không Việt Nam thông báo tới ICAO về việc tham gia CORSIA giai đoạn tự nguyện từ 01/01/2026 theo hướng dẫn của ICAO.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam, Đức nhất trí thúc đẩy đối thoại và hợp tác
07:58'
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Bodo Ramelow tại trụ sở Quốc hội liên bang Đức.
-
Kinh tế Việt Nam
Nội dung chính cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
06:33'
20 giờ ngày 2/7/2025 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump điện đàm
22:13' - 02/07/2025
20 giờ ngày 02/7/2025 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.