Phế liệu nhập khẩu tồn nhiều tại các cảng của Hải Phòng

20:10' - 24/08/2018
BNEWS Phế liệu nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của một số ngành như sản xuất thép, sản xuất nhựa.

Tuy nhiên, do bất cập trong quản lý nên lượng phế liệu nhập khẩu còn tồn nhiều tại các cảng của Hải Phòng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường và tổn hại đến kinh tế của doanh nghiệp, Nhà nước.

Những container phế liệu được Bộ cấp phép sẽ do ngành Hải quan kiểm soát về chất lượng và tồn dư tạp chất; lực lượng Hải quan chỉ giám định các container phế liệu theo xác suất hoặc máy soi. . Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Hải quan Hải Phòng, đến ngày 1/8/2018, tại Cảng Hải Phòng có 3.513 container phế liệu quá thời hạn làm thủ tục hải quan, trong đó quá thời hạn làm thủ tục từ 30 - 90 ngày là 2.513 container, quá thời hạn 90 ngày là 1.000 container. Phế liệu quá thời hạn nhiều nhất là nhựa với 3.268 container, còn lại là sắt, thép, nhôm, kẽm, giấy.

Các lô hàng tồn đọng do không đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất, doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không đủ điều kiện để thông quan.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ tài nguyên và môi trường Hải Phòng, đối với các container phế liệu tồn đọng, có 3 hướng xử lý là tái xuất, tiêu hủy hoặc bán đấu giá. Trong nhiều năm qua, các container phế liệu tồn đọng tại Hải Phòng vẫn đang được xử lý theo cả 3 hướng trên. Tuy nhiên do những khó khăn trong quá trình xử lý nên lượng phế liệu tồn đọng vẫn rất lớn, tác động xấu đến hoạt động kinh doanh bến bãi của doanh nghiệp.

Nhằm thắt chặt công tác quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo Thông tư này, cấp tỉnh, thành phố chỉ được cấp phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp với số lượng hạn định, chẳng hạn 5.000 tấn thép, 200 tấn nhựa/năm.

Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Bảo vệ tài nguyên và môi trường Hải Phòng cấp phép nhập khẩu phế liệu cho 5 doanh nghiệp. Với khối lượng lớn hơn, doanh nghiệp trực tiếp xin cấp phép tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Những container phế liệu được Bộ cấp phép sẽ do ngành Hải quan kiểm soát về chất lượng và tồn dư tạp chất; lực lượng Hải quan chỉ giám định các container phế liệu theo xác suất hoặc máy soi. Như vậy, việc doanh nghiệp cố tình trà trộn các loại hàng hóa khác hoặc phế liệu có nhiều tạp chất, thậm chí lại là rác thải là điều khó tránh.

Bên cạnh đó, do không được trực tiếp tham gia giám sát “đường đi” của các lô hàng phế liệu nhập khẩu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nên ngành chuyên môn tại địa phương không thể kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu có sử dụng toàn bộ khối lượng phế liệu để phục vụ sản xuất hay bán lại cho các doanh nghiệp khác.

Phế liệu nhập khẩu đi vòng quanh, thiếu kiểm soát dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn cho môi trường lưu giữ, cho người sử dụng do tồn dư của các tạp chất độc hại trong đó.

Để giảm bớt các container “vô chủ”, mới đây Hải quan Hải Phòng đã yêu cầu các doanh nghiệp kê khai tên đơn vị nhận hàng. Nhờ đó, sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp “né” hoặc bỏ trốn khi các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, đồng thời giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc xử lý các container rác thải tồn đọng.

Theo ông Trần Minh Tuấn, với những giấy phép nhập khẩu phế liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, từ Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đến các lực lượng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường đều phải vào cuộc giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Như vậy mới từng bước siết chặt quản lý hoạt động này, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường quốc gia của các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng phế liệu.

* Ngày 24/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công tác cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và hoạt động nhập khẩu phế liệu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất.

Đây là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến bảo vệ môi trường trong việc nhập và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Cùng với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong diện bị thanh tra, Tổng cục Môi trường, 10 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cũng sẽ là đối tượng thanh tra. Dự kiến, cuối tháng 11/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp kết quả thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục