Quản lý thị trường mỹ phẩm vẫn như "Bắt cóc bỏ đĩa"

09:57' - 11/05/2018
BNEWS Về vấn đề xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái,... chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân là do hành lang pháp lý, chế tài xử lý còn thiếu.
Số hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: TTXVN

Là một mặt hàng siêu lợi nhuận bỏ 1 đồng vốn mà thu về 5 đến 10 lần nên dù có bị lực lượng chức năng bắt giữ liên tục, với số lượng lớn thì những người sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng vẫn ngang nhiên tiếp tục bán tràn lan trên thị trường.

Nguyên nhân là bởi chưa có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các đối tượng trong việc sản xuất kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Vẫn bán tràn lan

Dạo qua, các chợ tại Hà Nội như: Chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang, chợ Nhà Xanh... không khó để tìm mua được các sản phẩm mỹ phẩm hàng hiệu Shiseido, Lancome, Ohui, Dior, Laneige, Chanel, Gucci... với giá rẻ đến bất ngờ chỉ khoảng từ 200.000 - 500.000 đồng là có thể sở hữu 1 bộ trang điểm có đầy đủ son, phấn, chì kẻ mắt, kem nền...

Trên thực tế, để có thể mua được 1 sản phẩm chính hãng giá phải đắt gấp nhiều lần từ 5-10 lần.
Trong vai người muốn mua một lượng lớn mỹ phẩm để về bán, chị Đặng Kim Dung chủ cửa hàng mỹ phẩm ở chợ Nhà Xanh đon đả giới thiệu đủ các loại son, phấn nền của các hãng Dior, Shiseido, Ohui với giá rẻ bất ngờ chỉ có 50.000 - 70.000 đồng/cây son, nếu mua nhiều sẽ bớt nữa.

Ngoài việc bán các mặt hàng mỹ phẩm nhái với giá rất rẻ, không đảm bảo chất lượng tại các chợ, những mặt hàng này còn được tiêu thụ trên toàn quốc dưới hình thức mua bán online qua mạng xã hội facebook, các trang fanpage trên facebook, sau đó được chuyển tới khách mua hàng thông qua các công ty chuyển phát nhanh.
Mới đây, Đoàn liên ngành số 2, BCĐ 389 Hà Nội do đội Quản lý thị trường số 13 chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tại số nhà 45 ngõ 9 Hoàng Cầu (Đống Đa) và đã phát hiện cơ sở sản xuất, đóng gói hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các loại thuốc trị nám, sữa rửa mặt, thuốc đặc trị xương khớp...

Đặc biệt, chủ cơ sở sản xuất mỹ phẩm này đã sử dụng nhà vệ sinh để sang chiết, sản xuất các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng núp bóng đông y gia truyền.
Đội Quản lý thị trường số 1 qua kiểm tra kho tập kết hàng hóa mỹ phẩm tại số 7 ngõ 95 phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) cũng đã phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả gồm: 19.144 tuýp kem đánh răng nhãn Sensodyne và Colgate 100ml...

Trị giá lô hàng ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội qua kiểm tra Kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam đã phát hiện 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 11 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, để “qua mắt” lực lượng chức năng dân buôn lậu, sản xuất mỹ phẩm giả đã có nhiều thủ đoạn mới. Đó là, đăng ký xin phép lưu hành đối với 1 lô sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu đầu tiên.

Sau đó, đặt hàng tại nước ngoài sản xuất với chất lượng thấp, giá thành rẻ hơn và sử dụng giấy phép lưu hành đã được cấp từ trước để tiêu thụ.

Đối với mỹ phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thường vi phạm chất lượng không đúng đăng ký với cơ quan chức năng, không đúng địa điểm sản xuất.

Hành lang pháp lý còn yếu và thiếu

Lý giải về vấn đề xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng của lực lượng chức năng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân là do hành lang pháp lý, chế tài xử lý còn thiếu, chưa có bộ quy chuẩn thế nào là hàng giả.

Không khó để tìm mua được các sản phẩm mỹ phẩm hàng hiệu. Ảnh: TTXVN

Quy định cũng chưa rõ ràng nên việc xác định hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để xử lý không đơn giản.

Đặc biệt, việc khởi tố đã khó, xử lý hình sự còn khó hơn, trong khi làm hàng giả, hàng kém chất lượng dễ, lợi nhuận cao.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đưa ra quy định về khung hình phạt với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa mức phạt cao nhất chỉ từ 7 – 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. Chế tài xử phạt quá thấp không đủ sức răn đe vi phạm.
Hiện nay, nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, pháp luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời chỉ cần cam kết không có những chất cấm, chất không được phép sử dụng là có thể sản xuất, đưa sản phẩm đó ra thị trường. Cơ chế thông thoáng nhưng lại thiếu hậu kiểm đang là tác nhân khiến mỹ phẩm giả, kém chất lượng vẫn có đất sống.
Lãnh đạo Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, chính vì cơ chế thông thoáng như vậy nên bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập.

Cụ thể, Cục quản lý Dược đã tiến hành nhiều đoàn kiểm tra trên thị trường, cơ bản các doanh nghiệp đã nắm bắt được các quy định của nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều sai phạm trong công tác quản lý như: công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất... tất cả đều bị xử phạt nghiêm.
Để việc đấu tranh chống nạn sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả đạt hiệu quả cao hơn rất cần sự vào cuộc phối hợp giữa lực lượng chống buôn lậu, hàng giả với chính quyền địa phương.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý cụ thể như cấp mã sản phẩm để người tiêu dùng có thể tra được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Về phía người tiêu dùng, khi mua bất cứ sản phẩm nào đều nên lựa chọn kỹ từ tem mác, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ, không nên ham rẻ mà làm hại sức khỏe chính bản thân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục