Quân sự - ưu tiên đầu tư hàng đầu của Mỹ

07:03' - 01/10/2017
BNEWS Theo bài viết mới đây trên trang mạng cbc.ca, không phải ngành sản xuất xe hơi hay điện thoại di động, mà quân sự mới là ưu tiên đầu tư hàng đầu của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố những nỗ lực của Nhà Trắng ở Afghanistan là “hoàn toàn lãng phí”.

Vậy mà mới đây, ông không những đe dọa rút khỏi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và đóng cửa Chính phủ Mỹ nếu Quốc hội không phê duyệt chi phí để xây bức tường ngăn cách với Mexico, ông còn đưa ra một cam kết mở về việc tiếp tục chi thêm tiền tại Afghanistan.

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng quyết định của ông Trump về hiệp định NAFTA sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của Mỹ, trong khi quyết định tiếp tục chi viện cho Afghanistan lại được xem như một khoản đầu tư dài hạn và Mỹ chắc chắn sẽ trở thành người “cầm cân nảy mực”.

Theo cuốn Sách Dữ liệu Thế giới của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), ngân sách dành cho hoạt động quân sự dựa trên tỷ lệ phần trăm GDP của Mỹ đứng thứ 9 trên thế giới. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm cho biết, nếu xem xét một cách toàn diện, Mỹ rõ ràng là nước đứng đầu về chi tiêu quân sự.

Chỉ riêng năm 2016, ngân sách quân sự của Mỹ đã gấp ba lần của Trung Quốc và mười lần của Nga. Những nước có tỷ lệ phần trăm ngân sách quân sự trên GDP cao nhất thường là các nước nhỏ đang xảy ra chiến tranh hoặc những nước sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng như Israel.

Mặc dù chi tiêu cho hoạt động quân sự của Mỹ ngày nay là một con số khổng lồ, quy mô của nó đã kìm hãm khá nhiều từ năm 1961 khi Tổng thống Dwight Eisenhower của Đảng Cộng hòa cảnh báo về mối nguy hiểm của sự gia tăng sức mạnh quân sự trong bài phát biểu chia tay.

Ông Eisenhower, cựu chỉ huy quân đội lực lượng Đồng Minh tại châu Âu trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, cho biết: "Các ban ngành của chính phủ đều phải cảnh giác trước những tác động tiềm tàng do tính chất phức tạp của nền công nghiệp quốc phòng gây ra”.

Ông Eisenhower cũng bày tỏ lo ngại rằng tầm ảnh hưởng khổng lồ của quân đội đối với nền kinh tế và mọi tầng lớp xã hội có thể gây hại tới cuộc sống của người dân Mỹ.

Ông Eisenhower cho hay: "Sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động quân sự tiêu cực vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại. Người dân cần trang bị cho bản thân những kiến thức và hiểu biết về tình hình mới có thể xoay sở tốt trong sự hòa quyện giữa bộ máy công nghiệp và quân sự khổng lồ bằng các biện pháp hòa bình. Có như vậy đất nước mới thực sự vừa an toàn vừa tự do".

Mỹ tăng cường 3.500 binh sĩ tới Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2012, ông Trump từng lên trang Twitter cá nhân bày tỏ sự phản đối của mình với những hoạt động chi viện và quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Một số ý kiến cho rằng sự thay đổi lập trường của ông Trump đối với Afghanistan sau đó 5 năm có thể là do quan điểm của các tướng lĩnh ở Nhà Trắng.

Cựu Tướng quân John Kelly từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ và cựu Tướng James Mattis là một trong những cố vấn hàng đầu của ông Trump trong những chính sách quân sự.

Michael Flynn - một vị tướng cao cấp của D. Trump đã từng bị sa thải khỏi vị trí cố vấn an ninh quốc gia sau khi từ chối tiết lộ mối quan hệ của ông với Nga và ngay sau đó được thay thế bởi ông H.R. McMaster.

Theo kênh thông tin Politico, đây là "một trường hợp điển hình” cho thấy các chính sách thường được nhân sự của Nhà Trắng đưa ra chứ không phải bởi Tổng thống.

Cho dù đảng cầm quyền có thay đổi, tất cả các chính trị gia vận động hành lang và các cố vấn luôn luôn tìm cách đẩy mạnh chi tiêu quân sự và hầu hết các tổng thống đều bị thuyết phục.

Donald Abelson, tác giả của cuốn sách “Liệu các viện nghiên cứu có thực sự quan trọng?” cho hay việc giữ lại các cố vấn nắm giữ quyền lực thực sự gần như là không thể tránh khỏi, bởi họ chính là người giúp Tổng thống đưa ra những quyết định dễ dàng hơn.

Cùng với các viện nghiên cứu tư vấn quân sự nổi tiếng như Tổng công ty Rand và Viện Hudson, Mỹ còn có các trung tâm nghiên cứu nhỏ hơn như Trung tâm nghiên cứu Chính sách An ninh (CSP) - một viện nghiên cứu mới nổi phản đối các cuộc chiến tranh Hồi giáo và ủng hộ thúc đẩy chi tiêu cho các chương trình lá chắn tên lửa.

Ông Abelson, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đại học Western Ontario cho biết: "CSP hiện đang hoạt động khá tốt bởi họ có mối liên hệ chặt chẽ với các cố vấn an ninh của D. Trump”.

Quyết định tiếp tục đóng quân ở Afghanistan không phải là một khoản chi vô lý của Mỹ. Nếu Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và thừa nhận thất bại trên mặt trận này, đây sẽ trở thành một thảm hoạ chính trị kéo theo nhiều hậu quả khôn lường khác cho Nhà Trắng, đặc biệt là khi Tổng thống đã hứa hẹn với những cử tri về sự "bất khả chiến bại" của chế độ. Trong một dòng tweet được đăng năm 2014, ông Trump đã viết: “Sự bất bại thực sự nằm ở khả năng phòng thủ”.

Mặc dù đã từng có ý định rút quân khỏi Afghanistan, ông Trump chưa bao giờ phản đối chi tiêu cho những chương trình lá chắn tên lửa. Trong một bài phát biểu hồi tháng 4, Tổng thống đã hứa hẹn sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng cho các chương trình này: “Hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng nó. Nhưng chúng ta cần phải chắc chắn rằng không một ai có thể gây sự với nước Mỹ”.

Sau khi lắng nghe toàn bộ bài phát biểu của ông Trump tại cuộc biểu tình ở Phoenix mới đây, chuyên gia Abelson chia sẻ: “Tổng thống đã trình bày những bước đi tiếp theo trong nhiệm kì để xây dựng hệ thống quân sự Mỹ trở nên lớn mạnh nhất trong lịch sự từ xưa đến nay”.

“Ai sẽ là người được hưởng lợi? Có thể là Lầu năm góc, các nhà thầu của những chương trình phòng vệ và một số người lao động ở một vài bang”.

Xét về an ninh quốc gia, việc duy trì quân đội luôn trong tình trạng cảnh giác không phải là một sự lãng phí cho dù chi tiêu cho nhân lực là không nhỏ, bởi vì quân đội có kinh nghiệm chiến đấu sẽ đem lại hiệu quả cao hơn khi cần hành động.

Tuy nhiên, khi chứng kiến những tuyên bố quả quyết của ông Trump trước đám đông về hiệp định NAFTA, đóng cửa Chính phủ Mỹ hay gia tăng chi tiêu cho quân đội, người nghe luôn khó có thể phân tách được mục đích chính trị ra khỏi những chính sách.

Ông Abelson cho rằng quyết định đẩy mạnh ngân sách cho quân đội có thể tạo ra thêm nhiều công việc cho người dân đúng như những gì ông Trump đã hứa hẹn với các cử tri.

Nhưng liệu cái giá phải trả có quá cao? "Tổ hợp quân sự - công nghiệp của Mỹ vẫn còn tồn tại. Đây là một trong những danh mục đầu tư then chốt của nền kinh tế Mỹ. Câu hỏi đặt ra là nếu quá nhiều tiền được đổ vào hoạt động quốc phòng, Mỹ sẽ phải hy sinh những gì?"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục