Quảng Bình đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp

20:24' - 07/05/2016
BNEWS Ngày 7/5, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh...
Quảng Bình đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Võ Dung-TTXVN

Từ giữa tháng 4/2016 đến nay, hiện tượng cá biển chết hàng loạt, chưa xác định được nguyên nhân, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Ước tính tổng thiệt hại liên quan đến khai thác, dịch vụ khai thác hải sản, nuôi trồng hải sản và nghề muối khoảng 175 tỷ đồng; thiệt hại về ngành du lịch của tỉnh khoảng 82 tỷ đồng. 

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng này, bà Nguyễn Thị Bản, Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thanh Quang - đơn vị chuyên thu mua thủy hải sản trên địa bàn kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh công tác truyền thông, chia sẻ và hỗ trợ cho ngư dân, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến dịch vụ nghề cá trong công tác tiêu thụ sản phẩm cá sạch, cấp giấy chứng nhận.

Đồng thời khoanh nợ, giãn nợ, cho vay vốn mới, làm thủ tục công nhận cho các công ty sớm khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nghề cá, du lịch, nhà hàng, khách sạn, thu mua và chế biến thủy hải sản.. cũng đề nghị Trung ương, các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời chính xác về nguyên nhân cá biển chết hàng loạt, có hướng giải quyết sớm và triệt để. 

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề xuất những giải pháp nhằm thu hút khách du lịch đến với Quảng Bình sau đợt cá biển chết ven bờ; hỗ trợ ngư dân, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua thủy hải sản cho vay vốn, giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm tiền lãi nhằm giúp doanh nghiệp và ngư dân ổn định sản xuất. 

Trong khi đó, ông Phạm Hữu Thu, Giám đốc Nhà máy clanhke xi măng Văn Hóa, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Việt Nam nêu vấn đề phí qua trạm BOT Tasco (xã Quảng Hưng, Quảng Trạch) quá cao đối với xe trọng tải 28-30 tấn chịu tổng chi phí cả lượt đi và về lên đến 400.000 đồng.

Vì thế, doanh nghiệp đề nghị tỉnh và Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải giảm hoặc điều chỉnh hợp lý mức thu này. Đồng thời có kế hoạch duy tu nạo vét Cửa Gianh, tuyến luồng sông Gianh để tàu có tải trọng lớn dễ dàng qua lại, giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa... 

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Võ Dung-TTXVN

Kết luận tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, tỉnh Quảng Bình nói chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng đang gặp phải một số khó khăn nhất định do tình hình đột xuất xảy ra trên địa bàn.

Tuy nhiên, Quảng Bình là địa phương đang có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, dịch vụ, du lịch là lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

Cùng với đó, Quảng Bình có nguồn nhân lực dồi dào, có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt là điều kiện cơ bản để các doanh nghiệp đến đầu tư. 

Cùng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh, Quảng Bình sẽ tổ chức các hội nghị tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp về thủ tục thuê đất, đăng ký giấy phép, đánh giá tác động môi trường... Đồng thời tổ chức gặp mặt doanh nghiệp trên từng lĩnh vực để tỉnh và doanh nghiệp trao đổi, tháo gỡ khó khăn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng cần đồng hành với tỉnh để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh./.

>>> Khảo sát vùng biển có nghi vấn về môi trường ở Nhân Trạch, Quảng Bình

>>> Quảng Bình thành lập nhiều điểm bán cá sạch cho người tiêu dùng 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục