Quảng Nam: Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu bị chia cắt

17:27' - 14/10/2023
BNEWS Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao đã làm sạt lở, ngập sâu một số tuyến đường giao thông trọng yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao đã làm sạt lở, ngập sâu một số tuyến đường giao thông trọng yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

 

Mưa lớn khiến tuyến ĐT611 (Quế Sơn - Nông Sơn) bị chia cắt, do sạt lở taluy dương tại lý trình km24+560 đoạn qua đèo Le; Tuyến DDH4.TG (xã A Xan đi xã Ga ri) huyện Tây Giang gây tắc đường tại 3 điểm; đường tạm phía thượng lưu cầu Sông Vầu ở huyện Đông Giang đã bị nước lũ băng qua, việc đi lại của khoảng hơn 2.000 người dân của thôn Quyết Thắng (xã Ba) và toàn bộ các thôn của xã Tư ra phía trung tâm xã Ba, đến trung tâm huyện Đông Giang bị chia cắt;…

Tại thành phố Hội An, mưa lớn và nước thượng nguồn đổ về, đã làm mực nước sông Hoài dâng cao, chỉ cách vỉa hè đường Bạch Đằng khoảng 10 cm và ngập sâu 20 - 30 cm, dài từ vài chục đến hàng trăm m cục bộ trên một số tuyến đường khác trên địa bàn thành phố, nguy cơ sẽ làm ngập một số tuyến phố cổ tại thành phố Hội An là rất lớn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tổng lượng mưa từ 0 giờ ngày 13/10 đến 1 giờ ngày 14/10 phổ biến từ 90 - 170mm, có nơi lớn hơn như Trạm Khí tượng Cù Lao Chàm (Hội An) 332mm, Trạm Thủy văn Hội An (Hội An) 373mm, Trạm Thủy văn Giao Thủy (huyện Duy Xuyên) 415mm, Trạm Thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) 450mm, Trạm Thủy văn Câu Lâu (huyện Duy Xuyên) 483mm,…

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng, sở, ban, ngành liên quan phối hợp với nhân dân triển khai các phương án phòng, chống và khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn: Tổ chức di dời sơ tán các hộ dân ở những nơi nguy hiểm, nhất là những hộ dân ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; huy động các lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết, đã xảy ra sạt lở,… Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đã huy động các lực lượng, phối hợp với các sở, ban, ngành khẩn trương khắc phục các tuyến đường giao thông hư hỏng phục vụ người dân đi lại, sửa sang lại các công trình phúc lợi, trường học để học sinh sớm trở lại trường học,…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục