Quảng Nam phấn đấu giải ngân 90% vốn đầu tư công

21:06' - 02/12/2022
BNEWS Tỉnh Quảng Nam đang tăng cường giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, phấn đấu đến hết 31/12 đạt 90% và đến hết 30/1/2023 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh Quảng Nam xác định là nhiệm vụ quan trọng ngay từ đầu năm 2022.

 

UNBD tỉnh đã kịp thời chủ động điều hành, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong giải quyết các thủ tục đầu tư công.

Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án để đảm bảo điều kiện phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn theo quy định đúng thời hạn.

Năm 2022, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ giao nguồn vốn đầu tư công hơn 4.944 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách trung ương hơn 1.404 tỷ đồng và vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 3.540 tỷ đồng. Cân đối dự toán nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là hơn 5.861 tỷ đồng, tăng 917 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Chính phủ giao.  

Theo số liệu Kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến hết tháng 11/2022, tổng vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân được hơn 4.221 tỷ đồng, đạt 67,3% so với kế hoạch vốn từ đầu năm, đạt 51,2% so với kế hoạch vốn bổ sung và đạt 53,7% so với kế hoạch vốn đã phân bổ. Toàn tỉnh đã bố trí thực hiện 235 dự án; trong đó 40 dự án hoàn thành; 137 dự án chuyển tiếp; 58 dự án khởi công mới.

Hiện nay, một số chủ đầu tư còn nợ xây dựng cơ bản với khối lượng lớn, nhiều công trình chậm tiến độ…

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã kiên quyết chỉ đạo việc chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân hết, dự án đang vướng về thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu giải ngân hết kế hoạch vốn bổ sung.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án khởi công mới giai đoạn 2023-2025 khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỉnh Quảng Nam cũng đang tăng cường giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm. Phấn đấu đến hết 31/12 đạt 90% và đến hết 30/1/2023 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2022. Tỉnh thành lập tổ kiểm tra đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước.

Vốn đầu tư công năm 2022 tập trung đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực như: giao thông đường bộ, nông nghiệp, thủy lợi, công nghiệp, văn hóa xã hội, y tế, công nghệ thông tin, quốc phòng an ninh… Các dự án đầu tư phát huy hiệu quả, góp phần hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng, cơ sở ha tầng của từng chương trình, ngành, lĩnh vực.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBDN tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng tỉnh Quảng Nam thực hiện các mục tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công 5 năm trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Do đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, thủ tục thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, kịp thời chủ động điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục đầu tư công. 

Tuy nhiên, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc; trong đó, quy định pháp luật và những văn bản của Trung ương liên quan đến đầu tư công vẫn chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung so với thực tiễn, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Cùng với đó, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thời gian chờ đợi các ý kiến không phản đối của nhà tài trợ trong quá trình triển khai thực hiện các khâu kéo dài; vướng mắc liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện đã được phát hiện từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm, triệt để.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương có lúc có nơi chưa được chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu năng lực.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện thủ tục kéo dài kế hoạch vốn năm trước sang năm kế hoạch theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công nên việc tổng hợp danh mục các dự án thuộc 7 trường hợp bất khả kháng được kéo dài kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2021 kéo dài sang năm 2022 theo quy định của Chính phủ tốn nhiều thời gian…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục