Quảng Ninh: Các địa phương phải cam kết giải ngân vốn đầu tư công trước 30/9

20:30' - 08/09/2020
BNEWS Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất chậm, thậm chí có những công trình, dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Ngày 8/9, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Kỳ họp thứ XIX, khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 để thông qua một số Nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế; trong đó có việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các nguồn vốn, các biện pháp điều hành ngân sách năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rất chậm, thậm chí có những công trình, dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 30/9 phải giải ngân đạt 100% nguồn vốn.

Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, các địa phương của tỉnh Quảng Ninh được giao giải ngân trên 10.650 tỷ đồng, chiếm trên 65,7% tổng nguồn vốn kế hoạch chi đầu tư công năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh được giao gần 3.000 tỷ đồng; còn lại là ngân sách Trung ương, cấp huyện, xã.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, việc giải ngân chưa đảm bảo theo kế hoạch. Đến ngày 26/8, vốn theo kế hoạch Chính phủ giao đạt 94,3%, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh mới đạt 65%; trong đó, một số dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Cụ thể, có 10 dự án giải ngân đạt 0%; 6 dự án giải ngân dưới 10%; 22 dự án giải ngân đạt từ 10-50%.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phân bổ nguồn vốn đầu tư công. Theo các đại biểu, nguyên nhân của việc chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công là việc đầu tư còn dàn trải, công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, hồ sơ thủ tục chưa kỹ càng, mất nhiều thời gian; việc điều chỉnh, cắt, giãn, hoãn các dự án chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do giải phóng mặt bằng của các địa phương chưa đảm bảo tiến độ... Do vậy, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Các đơn vị, địa phương thực hiện ngay việc điều chỉnh kế hoạch vốn, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hơn 749 tỷ đồng; điều hòa giảm kế hoạch vốn các chương trình, dự án được bố trí từ nguồn thu tiền đấu giá đất với tổng số hơn 1.000 tỷ đồng; điều hòa giảm kế hoạch vốn các chương trình, dự án do hụt nguồn thu bán tài sản công là cầu dẫn, vùng quay xe thuộc dự án cầu dẫn, bến du thuyền cảng khách quốc tế Hòn Gai.

Mặt khác, tỉnh giảm kế hoạch vốn các dự án đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn với số vốn 159 tỷ đồng; cắt giảm 40 dự án với số tiền hơn 397 tỷ đồng; điều hòa 9 dự án kéo dài với số tiền hơn 390 tỷ đồng…

Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, các địa phương phải cam kết trước Hội đồng nhân dân tỉnh, nếu trước 30/9 không giải ngân được vốn đầu tư công phải chịu trách nhiệm.

Do đó, các địa phương cần có những giải pháp năng động, sáng tạo, quyết sách mau lẹ, phù hợp với tình hình, nhất là việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, hạn chế ở mức thấp nhất những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống, việc làm, thu nhập, sức khỏe của người lao động... kiên trì giữ vững địa bàn "An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn"./.

>>>Gia hạn thời điểm đóng thầu 3 dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi sang đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục