Cao Bằng đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

08:39' - 05/09/2020
BNEWS Đến cuối tháng 8, Cao Bằng giải ngân được 39,1%, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2019 nhưng thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước 41,6%.

Năm 2020, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được cải thiện so với những năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn khá chậm.

UBND tỉnh Cao Bằng đang đôn đốc các sở ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trong năm 2020 là hơn 3.200 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn đã giao chi tiết cho các chủ đầu tư là hơn 2.999 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh giải ngân được 39,1%, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2019 nhưng thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước 41,6%.

Để hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố, các đơn vị chủ đầu tư, chủ dự án chỉ đạo lập kê hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.

Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ; tập trung tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư

Trong 31 chủ đầu tư được giao vốn đầu tư công năm 2020 có 21 chủ đầu tư đã tiến hành giải ngân, còn 10 chủ đầu tư giải ngân 0%, 4 chủ đầu tư giải ngân dưới 10%. Điển hình là các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (được giao 48,5 tỷ đồng, giải ngân 0%); Sở Tài nguyên và Môi trường (được giao 16,5 tỷ đồng, giải ngân 0%)...

Nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp là do trong quý I/2020, tỉnh Cao Bằng có 3 huyện và 52 xã sáp nhập và thực hiện các thủ tục liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính. Do đó, việc bàn giao các dự án trên địa bàn huyện và xã sáp nhập bị chậm so với kế hoạch.

Một nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến giải ngân là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 khiến một lượng lớn công nhân nghỉ việc từ dịp trước và sau Tết Nguyên đán đến hết thời điểm giãn cách xã hội gây khó khăn cho các nhà thầu.

Bên cạnh đó, nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc nhập vật tư, nguyên liệu, thiết bị… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình. Đồng thời, việc giao chỉ tiêu vốn chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Một số dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng.

Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để đẩy nhanh công tác quyết toán dự án.

Năng lực làm chủ đầu tư của cấp xã còn hạn chế; trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện còn lúng túng, nhất là trong khâu khảo sát, lập hồ sơ dự toán xây dựng công trình theo Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù do tổ, nhóm cộng đồng các thôn, xóm thi công.

Đối với các dự án khởi công mới trong năm 2020, trong những tháng đầu năm chủ yếu lập các thủ tục hồ sơ, thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu, chỉ triển khai thi công vào cuối năm nên đến thời điểm hiện nay các dự án đã tiến hành thi công còn thấp, khối lượng hoàn thành nhỏ.

Tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới thường chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục