Quảng Ninh với mục tiêu tăng trưởng trên 14%: Tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

14:06' - 18/07/2025
BNEWS Quảng Ninh tập trung đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, đột phá trong chính sách, định vị lại các giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, điểm nghẽn để tìm cách hóa giải.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư; đặc biệt, Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 8/01/2025) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng cụ thể hóa với nhiều giải pháp. 

 

 

Bám sát chủ đề công tác năm 2025 “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, trong bối cảnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm (2021-2025); năm diễn ra nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm trọng đại của Đảng, đất nước, dân tộc; bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...

Quảng Ninh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhất là yếu tố để tạo đà bứt phá tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 14% trở lên, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số, phấn đấu cao hơn 20% so với tốc độ tăng trưởng của cả nước giai đoạn 2026-2030.

Để đạt đạt mục tiêu đề ra, tỉnh quan tâm tháo gỡ những bất cập về pháp lý và thực thi các dự án đầu tư cho các doanh nghiệp. Định kỳ 2 lần/tháng, các đơn vị, địa phương chủ động làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã để triển khai các chỉ đạo. Cùng với đó, tỉnh cũng thành lập Tổ rà soát, đôn đốc việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công và vốn ngoài ngân sách; tiếp tục hoàn thiện xây dựng hồ sơ số hóa, các tiêu chí thu hút đầu tư các dự án thứ cấp và giải pháp quản lý thông minh các dự án trên địa bàn, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, các thông tin về đầu tư...

Cùng với đó, Quảng Ninh tập trung đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, đột phá trong chính sách, định vị lại các giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, điểm nghẽn để tìm cách hóa giải.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tích cực làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, trọng tâm là về đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế di sản, kinh tế đêm, các lĩnh vực mới nổi...

Đồng thời, thể hiện rõ quyết tâm, sự quyết liệt, đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển, triển khai những dự án động lực, trọng điểm thông qua việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đất đai, quy hoạch, dự án đầu tư…

Bên cạnh cam kết đồng hành, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, hành động quyết liệt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng trên 14% của tỉnh năm 2025. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Cùng với đó, tỉnh nâng cao dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương đảm bảo quy trình giải quyết thủ tục đảm bảo quy định. Tính đến ngày 30/5/2025, trung bình một ngày, ngành chức năng tiếp nhận, xử lý gần 50 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 98%; thời gian trung bình xử lý một hồ sơ doanh nghiệp là 1,8 ngày, ít hơn 1,2 ngày so với quy định…

Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tiếp tục vượt khó, vươn lên. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đã có 1.150 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, 536 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Quảng Ninh lên 11.493. Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, 112 hợp tác xã mới được thành lập, hoàn thành 78,3% chỉ tiêu cả năm, nâng tổng số hợp tác xã đang hoạt động lên 725 đơn vị.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng ghi nhận sự tăng trưởng đồng đều. Khu vực công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,07%. Thương mại - dịch vụ có bước bứt phá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1%, vượt 2% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, trong quý II/2025, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, đặc biệt là căng thẳng thương mại và thay đổi chính sách thuế của Hoa Kỳ, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất – xuất khẩu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều văn bản hướng dẫn, kết nối thị trường mới qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được ban hành. Các hội nghị chuyên đề, hội thảo logistics và giao ban xúc tiến thương mại liên tục được tổ chức với sự tham gia của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chè, thủy sản…

Đặc biệt, các sở, ngành trong tỉnh cũng chủ động vào cuộc. Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn, Công an tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp vận tải, Hải quan khu vực VIII tiến hành tham vấn doanh nghiệp… Qua đó, 136 kiến nghị từ doanh nghiệp trong nước và FDI đã được giải quyết đến hết tháng 6.

Những chuyển động tích cực đó cho thấy nỗ lực lớn của Quảng Ninh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương phải tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra trong 6 tháng đầu năm; trong đó, phải xác định được cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đối với từng nội dung và thời gian hoàn thành cụ thể. Nhất là những vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh quy hoạch để thu hút các dự án đầu tư mới.

Bên cạnh đó, phải chủ động hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn trong việc tìm ra những động lực phát triển mới, nhất là trong việc thu hút và triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch - dịch vụ, đường sắt tốc độ cao, các dự án nhà ở xã hội…

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục