Quốc hội bàn về lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục mới

18:07' - 02/11/2017
BNEWS Nhiều đại biểu có chung quan điểm việc lùi thời điểm áp dụng chương trình là cần thiết nhằm có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Chiều 2/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo phương thức "cuốn chiếu" ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp Tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp Trung học Cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp Trung học Phổ thông từ năm học 2021-2022.

Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại một năm ở các lớp Tiểu học, hai năm ở các lớp Trung học Cơ sở và ba năm ở các lớp Trung học Phổ thông.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) phân tích, theo Nghị quyết 88/2014/QH13 việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa bắt đầu từ năm học 2018-2019, tức là còn chưa đầy một năm nữa.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố chương trình phổ thông tổng thể, trên cơ sở đó mới đến chương trình phổ thông, rồi tới sách giáo khoa.

Sách giáo khoa phải áp dụng thí điểm mới có thể triển khai đại trà. Để triển khai được điều này, Bộ phải tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên... Như vậy, còn rất nhiều công việc phải thực hiện trong một thời gian ngắn, rất khó để thực hiện theo đúng tiến độ, lộ trình Nghị quyết 88.

Vì vậy, Chính phủ trong Kỳ họp này đã đề xuất lùi thời điểm thực hiện Nghị quyết 88 với việc áp dụng chương trình giáo dục sách giáo khoa mới. Với thực tế này, việc lùi thời điểm là không tránh khỏi và không có giải pháp khác. Tuy nhiên, lùi như thế nào là việc nhiều đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Phạm Tất Thắng thông tin, trong phiên họp toàn thể vừa qua của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra báo cáo, tất cả các thành viên Ủy ban đều thống nhất việc lùi thời điểm triển khai.

Một số ý kiến tán đồng với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn là lùi một năm liệu có thể giải quyết được tất cả các công việc còn lại chưa để thực hiện tốt chương trình đổi mới sách giáo khoa?

Thể hiện sự ủng hộ cao việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Quảng Bình) thẳng thắn: Từ những năm 80 trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn trăn trở, băn khoăn và có nhiều giải pháp để thay đổi sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả chưa cao, một số thay đổi còn bất cập, do nhiều nguyên nhân, sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng. Khi tổ chức thí điểm, Bộ chọn địa phương có kinh phí, có điều kiện địa lý, điều kiện việc làm tốt, nhưng thực hành lại dàn trải, do đó không đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, chương trình đưa ra chưa phù hợp với đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý; điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới...

Tin tưởng vào việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sẽ mang lại tính khả thi cao, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nêu quan điểm: Lộ trình đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất khả thi khi thực hiện theo phương thức "cuốn chiếu", bởi giáo dục Tiểu học đã được thí điểm và triển khai nhiều, điển hình như tại Trường Thực nghiệm trước đây đã có chương trình sách giáo khoa mới.

Đối với cấp Trung học Phổ thông, đại biểu khẳng định đây là bước lùi quan trọng bởi giáo dục phổ thông phải quan tâm rất nhiều đến việc phân luồng và hướng nghiệp.

Học sinh phổ thông có tỷ lệ phân luồng rất thấp, chỉ đạt tỷ lệ vài % rất nhỏ, trong khi đó hiện nay học sinh học hết Trung học Phổ thông mới bắt đầu lựa chọn nghề nghiệp là một sự lãng phí lớn làm cho quá trình chuẩn bị trước đó của các em trong suốt ba năm trong việc hướng nghiệp, tham gia nghề gì, học nghề gì và trở thành công dân làm những công việc gì, mất rất nhiều thời gian.

Do đó, việc lùi ba năm là rất cần thiết để Chính phủ chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt là việc phân luồng, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, những vấn đề của giáo dục đưa ra Quốc hội bao giờ cũng trở thành một vấn đề "nóng", bởi lĩnh vực này liên quan đến nhiều đến đời sống người dân. Chính phủ đề nghị lùi một năm cho sách giáo khoa mới, là có lý do khách quan.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mới triển khai công việc hai năm nay, phải thực hiện một chương trình có tính kế thừa. Vấn đề chuyển giao trong các thời kỳ bao giờ cũng gặp khó khăn, trong khi thời gian để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới quá ngắn ngủi.

Cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại theo phương thức "cuốn chiếu", vì vậy việc lùi lại một năm là cần thiết, bởi sách giáo khoa là vấn đề quan trọng trong thay đổi phương thức giáo dục, nếu làm không tốt sẽ tạo ra những tiền đề ảnh hưởng tới các khâu tiếp theo.

Tán thành với quan điểm: Giáo dục cần tính kế thừa và ổn định trong một thời gian dài nhưng Bộ Giáo dục- Đào tạo thay đổi cách dạy và học ở các cấp, thậm chí là đại học quá nhiều, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Nền giáo dục của Việt Nam đã trải qua một thời kỳ ngưng đọng quá lâu, quá lạc hậu từ chương trình đến phương pháp giáo dục.

Vì vậy lần này, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, cần thay đổi một cách căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Thay đổi một cách căn bản và toàn diện là phải theo kịp nhu cầu phát triển của đất nước, hội nhập với nền giáo dục của thế giới. Đó là trách nhiệm hết sức nặng nề.

Chia sẻ với các cơ quan thực thi việc triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định việc chấp nhận lùi một năm là phù hợp với mong muốn thay đổi, cải thiện lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Không nên mang học sinh ra thí nghiệm mà phải thực hiện được các khâu một cách chắc chắn rồi mới làm tiếp.

>>>Thông cáo số 8 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục