Quốc hội Đức thông qua quyết định loại bỏ than vào năm 2038

07:55' - 04/07/2020
BNEWS Ngày 3/7, Quốc hội Đức đã thông qua quyết định loại bỏ than muộn nhất vào năm 2038 và thông qua một đạo luật nhằm cung cấp viện trợ 40 tỷ euro cho các vùng khai thác than.

Theo phóng viên TTXVN ngày 3/7, Quốc hội Đức đã thông qua quyết định loại bỏ than muộn nhất vào năm 2038 và thông qua một đạo luật nhằm cung cấp viện trợ 40 tỷ euro cho các vùng khai thác than như Nordrhein-Westfalen, Sachsen-Anhalt, Sachsen và Brandenburg.

Theo truyền thông Đức, quyết định loại bỏ than nhằm hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Sự kết thúc của việc sản xuất điện than giúp Đức đạt được mục tiêu khí hậu vào năm 2030, theo đó, ngành năng lượng phải giảm phát khí thải nhà kính khoảng 62% so với năm 1990.

Ngoài ra, Quốc hội Đức cũng phê duyệt đạo luật tăng cường tái cấu trúc nhằm bảo vệ các vùng than khỏi sự hủy hoại kinh tế với khoản đầu tư lên tới 40 tỷ euro.

Việc viện trợ nhằm giúp đỡ các vùng than trong việc tái cấu trúc kinh tế và mở rộng cơ sở hạ tầng.

Các nhà máy điện than sẽ nhận được hàng tỷ euro tiền bồi thường cho việc đóng cửa sớm các nhà máy của họ.

Đầu năm 2019, một ủy ban do Chính phủ liên bang Đức thành lập đã đề xuất loại bỏ than muộn nhất vào năm 2038.

Các nhà máy nhiệt điện than đang dần dần được đưa ra khỏi lưới điện nhưng các mục tiêu khí hậu đòi hỏi việc này phải được đẩy nhanh hơn.

Và trên thực tế, việc kết thúc sản xuất điện than sẽ chỉ kết thúc vào cuối những năm 40.

Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đánh giá rằng, việc loại bỏ than là một “Dự án Thế hệ” lịch sử.

Phát biểu tại Quốc hội liên bang, Bộ trưởng Altmaier cho biết, sản xuất điện từ than sẽ được đảm bảo về mặt pháp lý, hợp lý về mặt kinh tế và sẽ được kết thúc vào năm 2038.

Ông nhấn mạnh "Với quyết định này, thời đại hóa thạch ở Đức đi đến hồi kết là không thể chối bỏ"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục