Quốc hội giám sát về an toàn thực phẩm tại Quảng Ninh

16:11' - 02/03/2017
BNEWS Ngày 2/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã làm việc tại Quảng Ninh.

Ông Phùng Quốc Hiển đánh giá Quảng Ninh là một trong những tỉnh quan tâm từ rất sớm đến an toàn thực phẩm với tổng kinh phí đầu tư cho công tác này giai đoạn 2011-2016 trên 38 tỷ đồng, gấp 4,5 lần nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đặc biệt chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ vào điểm giết mổ tập trung của thành phố bước đầu có hiệu quả.

Qua khảo sát của Đoàn giám sát, Quảng Ninh còn hơn 500 điểm giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu là tại hộ gia đình; công tác kiểm soát an toàn thực phẩm ở xã, phường, thị trấn còn khó khăn.

Đoàn giám sát lưu ý Quảng Ninh quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường để bảo vệ sức khỏe con người, chất lượng cuộc sống; xem xét lại quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung; tiếp tục quan tâm chặt chẽ tới công tác quản lý gia cầm đường biên giới.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Quảng Ninh cần tập trung tăng cường năng lực của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tuyến xã.

Trước đó, ngày 28/2, Đoàn giám sát Quốc hội đã khảo sát tại nhiều điểm sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đoàn đã có những ý kiến trực tiếp đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất nông nghiệp…

Ông Phùng Văn Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định so với nhiều tỉnh, thành phố khác, Quảng Ninh được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật.

Tỉnh đang trong thời kỳ phát phiển mạnh về xây dựng cơ sở hạ tầng nên không thể tránh khỏi ô nhiễm… nhưng không vì thế mà bỏ qua yếu tố môi trường.

Ông Phùng Văn Minh tỏ ra lo ngại khi kết quả giám sát cho thấy có đến 76% số mẫu thực phẩm được kiểm tra có tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

Ngay đến dụng cụ chứa, đựng thực phẩm tại nhiều cơ sở (qua kết quả xét nghiệm và quan sát bằng mắt thường) vẫn cho thấy số hóa chất tồn dư vượt ngưỡng tiêu chuẩn quy định từ 20 đến 60%.

Đoàn giám sát bày tỏ lo ngại khi thống kê của tỉnh cho thấy chỉ 6/10 siêu thị đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Đặc biệt, qua báo cáo của UBND tỉnh gửi Đoàn giám sát trong ngày 2/3 toàn tỉnh vẫn phải nhập thực phẩm từ các tỉnh ngoài rất nhiều, một số ít qua vùng biên giới.

Đoàn giám sát đặt ra câu hỏi về việc truy xuất nguồn gốc và việc quản lý chất lượng thực phẩm mà báo cáo không nói rõ.

Lý giải những vấn đề được Đoàn giám sát nêu, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thưc phẩm tỉnh Quảng Ninh cho biết: Là tỉnh biên giới phía Đông Bắc, có nhiều cửa khẩu nên Quảng Ninh luôn phải đối mặt với tình trạng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không an toàn từ biên giới.

Đặc biệt, tỉnh trải dài trên 250 km đường biển nên việc kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, thực phẩm nhập lậu. Đây cũng là khó khăn rất lớn của tỉnh trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý số liệu trong báo cáo của tỉnh Quảng Ninh. Những năm qua, tỉnh đã kiểm tra 18 nghìn vụ vi phạm về an toàn thực phẩm nhưng chỉ xử phạt hành chính 3.500 vụ.

Các hình thức xử phạt vẫn ở mức hình thức. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh sau khi xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể áp dụng hình thức khởi tố hình sự.

Kết luận buổi làm việc, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng xét trên phương diện pháp luật về an toàn thực phẩm, Quảng Ninh còn tồn tại nhiều vi phạm.

Vì vậy tỉnh tiếp tục tăng cường công tác xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt là các vụ có diễn biến nghiêm trọng, cần xử lý theo đúng quy định của luật pháp; quan tâm kiểm soát chặt chẽ vấn đề tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép trên các sản phẩm thực phẩm…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục