Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật thúc đẩy an ninh kinh tế

13:02' - 11/05/2022
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 11/5, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông qua dự thảo Luật thúc đẩy an ninh kinh tế do Chính phủ đệ trình.

Được Hạ viện thông qua ngày 7/4 và Thượng viện thông qua ngày 11/5, Luật thúc đẩy an ninh kinh tế của Nhật Bản bao gồm 4 trụ cột: tăng cường các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung chất bán dẫn và các hàng hóa chiến lược khác; tạo điều kiện cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác; đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng; và ngăn chặn sự rò rỉ các công nghệ nhạy cảm.

Cụ thể, theo luật này, các mặt hàng như chip, dược phẩm và kim loại hiếm sẽ được xác định là các mặt hàng cực kỳ quan trọng, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà cung ứng trong nước có được nguồn cung ổn định.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển AI và các công nghệ tiên tiến khác thông qua hợp tác công-tư bằng cách cung cấp thông tin và hỗ trợ tài chính.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm cả viễn thông và vận tải, Chính phủ Nhật Bản sẽ kiểm tra các thiết bị mà các doanh nghiệp/tổ chức dự định lắp đặt để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công mạng và ngăn ngừa khả năng việc sử dụng các linh kiện từ nước ngoài có thể tạo ra mối đe dọa an ninh.

Luật mới cũng bao gồm các quy định nhằm bảo vệ các bằng sáng chế liên quan tới các công nghệ nhạy cảm. Đáng chú ý, Nhật Bản sẽ phạt tù tới 2 năm hoặc phạt tiền tối đa 1 triệu yen đối với những người làm rò rỉ thông tin về các bằng sáng chế không được tiết lộ.

Trong bối cảnh có những quan ngại về khả năng sự can dự quá mức của chính phủ vào kinh tế tư nhân có thể hạn chế các hoạt động của doanh nghiệp, luật quy định chính phủ cần phải hành động một cách cẩn trọng.

Bên cạnh đó, sau khi Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập bày tỏ quan ngại về vấn đề này, liên minh cầm quyền đã bổ sung nghị quyết không mang tính ràng buộc vào luật này, trong đó khẳng định sẽ tôn trọng tính độc lập của các hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi xem xét áp đặt các hình phạt đối với các doanh nghiệp từ chối các cuộc điều tra của chính phủ về các chuỗi cung ứng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục