Quốc tế cam kết góp 1,28 tỷ USD cho Quỹ trung gian tài chính phòng đại dịch

08:17' - 18/07/2022
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati thông báo các cam kết dành cho Quỹ trung gian tài chính (FIF) về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch (PPR) hiện đã đạt gần 1,28 tỷ USD.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại họp báo cuối tuần qua, bà Indrawati cho hay số tiền nói trên bao gồm cam kết bổ sung của một số thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 lần thứ 3 tại Bali.

 

Theo bà Indrawati, các cam kết tài trợ trước đây đến từ Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC), Đức, Indonesia, Singapore, Anh, quỹ Wellcome Trust, và Quỹ Bill & Melinda Gates. Trong khi đó, các cam kết tài trợ bổ sung được đưa ra tại cuộc họp vừa qua đến từ Italy, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại cuộc họp, các quốc gia thành viên G20 đã tái khẳng định cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có để ứng phó với các thách thức kinh tế nhằm duy trì ổn định tài chính và cân bằng tài khóa trong dài hạn. Ngoài ra, các quốc gia G20 cũng thảo luận về việc thành lập FIF với mục đích ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

FIF là động thái cụ thể nhằm xây dựng cấu trúc y tế toàn cầu và tăng cường khả năng phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch bằng cách đảm bảo nguồn tài chính đủ, bền vững và có sự phối hợp để phục hồi hậu đại dịch. Bộ trưởng Indrawati cho biết: “G20 sẽ tiếp tục thảo luận về quản trị tốt và kiểm soát hoạt động của FIF như một bước tiến xa hơn. Hy vọng rằng FIF có thể được công bố trong năm nay”.

Indonesia - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 năm 2022 - đặt mục tiêu trong năm nay sẽ huy động được 1,5 tỷ USD cho quỹ FIF nhằm ứng phó các đại dịch toàn cầu trong tương lai.

Trước đó, các thành viên G20 đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc trong việc thành lập quỹ trị giá hàng tỷ USD này nhằm tài trợ kinh phí cho các hoạt động giám sát, nghiên cứu, tiếp cận vaccine tại các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình, cũng như các quốc gia khác.

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 3, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính kinh phí cho việc chuẩn bị phòng ngừa đại dịch COVID-19 thiếu hụt 10,5 tỷ USD/năm.

Dự kiến, WHO sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc xác định quốc gia nào cần được hỗ trợ từ FIF./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục