Quy hoạch Di tích làng cổ Đường Lâm: Bài 1 – Quy hoạch một đằng, làm một nẻo

07:38' - 21/09/2017
BNEWS Gần đây, du khách đến làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ngỡ ngàng vì Trạm Y tế xã Đường Lâm đang ở giai đoạn hoàn thiện, xây dựng bề thế ngay sát cổng làng Mông Phụ dẫn vào di tích làng cổ.

Dù là công trình được xây mới trên nền Trạm Y tế cũ nhưng với diện tích lớn hơn 2 lần so với diện tích cũ, thiết kế khang trang đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan không gian làng cổ, đặc biệt là cổng làng vốn được coi là biểu tượng của làng cổ Đường Lâm.

Điều đáng nói, công trình này xây dựng không đúng với Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm được thành phố Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 6634 ngày 31/10/2013, công bố đầu năm 2014.

Bài 1: Quy hoạch một đằng, làm một nẻo

Sau rất nhiều năm xây dựng, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm được hoàn thành với sự tham gia của nhiều ban ngành và đây được coi là định hướng cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích làng cổ lâu dài.

Không chỉ có vậy, quy hoạch còn được coi là công cụ quản lý bảo tồn và mọi việc cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới đều phải tuân thủ theo quy hoạch này. Tuy nhiên, việc cải tạo, nâng cấp trạm y tế xã theo hình thức xây mới, mở rộng lại không tuân thủ như vậy.

Công trình trạm y tế đang trong giai đoạn hoàn thiện . Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Chưa đặt công trình vào vị trí của di sản văn hóa

Tại Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, công trình Trạm Y tế xã được đề xuất xây dựng mới tại thôn Cam Thịnh, phía sau ao làng. Lối tiếp cận sẽ từ phía Quốc lộ 32 theo đường chính của thôn và lối từ thôn Mông Phụ sang, đi bên cạnh ao và không nằm trong tầm nhìn của các tuyến chính đi thăm làng cổ. Vị trí Trạm Y tế cũ ở sát cổng làng Mông Phụ sẽ được dành cho Ban Quản lý Dự án làng cổ Đường Lâm và Ban Quản lý phải thu gọn phần tường phía trước so với hiện nay để bảo vệ cây đa cổ và cảnh quan cổng làng.

Quy hoạch là vậy, song chỉ sau 1 năm quy hoạch được công bố, đến tháng 9/2015, UBND thị xã Sơn Tây có tờ trình Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Trạm Y tế xã Đường Lâm tại vị trí Trạm Y tế cũ theo hình thức xây mới. Tháng 10/2015, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Đường Lâm.

Điều đáng bàn ở đây, theo Tờ trình của UBND thị xã Sơn Tây, cơ quan này coi công trình Trạm Y tế xã là một công trình xây dựng thông thường, chưa đặt Trạm Y tế vào vị trí là một bộ phận của di sản văn hóa. Bằng chứng là các căn cứ pháp lý mà UBND thị xã Sơn Tây đưa ra chưa đầy đủ, mới chỉ căn cứ vào các văn bản pháp luật về xây dựng và đầu tư công, chưa đưa ra các căn cứ pháp lý về di sản văn hóa.

Trong khi đó, đối tượng nằm trong khu vực đã được xếp hạng, phải chịu sự quản lý của Luật Di sản văn hóa, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm và Quyết định xếp hạng di tích quốc gia di tích kiến trúc – nghệ thuật làng cổ Đường Lâm. Vì công trình nằm ở khu vực khoanh vùng bảo vệ nên mọi thủ tục đầu tư xây dựng phải tuân thủ theo các quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Vì không đặt công trình Trạm Y tế ở khía cạnh di sản văn hóa nên Tờ trình của UBND thị xã Sơn Tây không thông qua các cơ quan quản lý di sản văn hóa. Tất nhiên, do chỉ thông qua cơ quan đầu tư xây dựng nên cơ quan chuyên ngành không nắm vững các văn bản liên quan đến di sản văn hóa, cụ thể là Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm nên chưa có tham mưu phù hợp cho UBND thành phố Hà Nội.

Tới cuối năm 2016, UBND thị xã Sơn Tây mới có văn bản xin thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về thiết kế cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Đường Lâm thông qua Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tháng 12/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận.

Cơ sở xây dựng liệu có thuyết phục?

Trả lời về vấn đề Trạm Y tế xã xây dựng không đúng quy hoạch, ông Hà Hữu Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, chủ đầu tư dự án cho rằng, cần phải xem xét lại Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm về nguồn gốc đất ở vị trí mới, trình tự quy hoạch và tính khả thi khi xây dựng tại vị trí mới.

Vì theo ông Hà Hữu Công, khi thành phố Hà Nội hoàn thành quy hoạch mới công bố và được hiểu là thành phố quy hoạch tại vị trí mới không lấy ý kiến của nhân dân và quy hoạch tại đó cũng không có tính khả thi.

Công trình trạm y tế đang trong giai đoạn hoàn thiện . Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Bên cạnh việc viện dẫn UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại địa điểm Trạm Y tế cũ, ông Hà Hữu Công cũng đưa ra nhiều lý do khác để khẳng định, việc xây dựng Trạm Y tế tại địa điểm cũ là phù hợp. Theo ông Công, thứ nhất, Trạm Y tế cũ đã xuống cấp cần xây dựng lại. Thứ hai, vị trí cũ phù hợp với việc sơ cứu ban đầu của người dân và nếu phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên sẽ thuận lợi hơn.

Nếu xây dựng tại vị trí mới là thôn Cam Thịnh, nhiều người phải đi ngược vào trong sơ cứu rồi lại trở ra để lên tuyến trên sẽ bất tiện. Thứ ba, việc xây dựng Trạm Y tế xã mới đã có sự đồng thuận của người dân xã Đường Lâm thông qua văn bản đề nghị xây dựng cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và Trạm Y tế xã Đường Lâm.

Tuy nhiên, không như lời ông Hà Hữu Công nói, quá trình xây dựng Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm được Viện Bảo tồn di tích, đơn vị thực hiện đồ án quy hoạch, tổ chức hội nghị lấy ý kiến đại diện của người dân Đường Lâm về các phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích vào tháng 7/2013. Lý do để Trạm Y tế ở vị trí cũ thuận lợi hơn trong việc sơ cứu ban đầu của người dân cũng chưa hoàn toàn thuyết phục.

Bởi lẽ khoảng cách từ vị trí cũ và mới đều trong cùng một xã, không quá xa và chỉ có một bộ phận người dân phải đi ngược lại, không phải là tất cả. Lý do trước khi xây dựng Trạm Y tế mới có sự đồng thuận của người dân cũng chưa chính xác. Bởi Tờ trình do Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội ký vào tháng 9/2015, văn bản đề nghị cho phép cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Đường Lâm do Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và Trạm Y tế xã Đường Lâm lại ký vào tháng 7/2016.

Hơn nữa, đây là văn bản của các đơn vị quản lý ở xã Đường Lâm và xã Đường Lâm cũng chưa hẳn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về việc nên hay không xây dựng trạm y tế tại đây. Chính sự chủ quan này đã dẫn đến một công trình bề thế mọc lên ngay cạnh một không gian rất đậm chất truyền thống của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ rất khập khiễng./.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch Di tích làng cổ Đường Lâm: Bài 2 – Không gian di tích làng cổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục