Quy hoạch là định hướng, hạ tầng tạo đột phá

15:53' - 29/12/2020
BNEWS Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng giao thông… là những nội dung được đặc biệt quan tâm.
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong hai ngày 28 - 29/12/2020, lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng giao thông… là những nội dung được nhiều bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Đây được cho là một trong những yếu tố quan trọng để định hướng, tạo đà bứt phá trong thời gian tới nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.   

*Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch đang là khâu yếu nhất

Năm 2021 là năm đầu của thời kỳ chiến lược 10 năm 2021-2031, cũng là năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025. Đây cũng là mốc thời gian quan trọng làm tiền đề, chuẩn bị cho cả giai đoạn tới. Đầu tư công là một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt nhưng các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào 6 nội dung cụ thể.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Bởi trên thực tế, có những quy hoạch cần điều chỉnh vì chưa có quy hoạch mới; chú ý quy hoạch các khu đô thị phải gắn với phát triển nhà ở, nhà ở xã hội.

Cùng đó, lập và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, tỉnh… và cố gắng phê duyệt cơ bản trong năm 2021.

Tiếp đến, kế hoạch thực hiện các quy hoạch cần được chủ động xây dựng. Hiện nay đây là khâu yếu nhất. Kế hoạch cần hiểu rộng hơn, không chỉ là kế hoạch đầu tư công trung hạn bởi đầu tư công trung hạn chỉ là 1 nguồn vốn. Nhưng để thực hiện quy hoạch còn cần đến các ngồn khác như từ vốn xã hội. Đặc biệt, phải phân rõ nguồn vốn sử dụng cho từng loại công trình, dự án.

Thời gian vừa qua các dự án BOT gặp nhiều khủng hoảng, khó khăn là do không có kế hoạch thực hiện cụ thể. Có những dự án không đáng làm theo hình thức BOT thì lại chọn hình thức này; trong khi đó, có những dự án cần thực hiện theo nguồn vốn này thì lại không được chọn. Do đó, hiện có rất nhiều dự án gặp khó khăn khi thực hiện.

Bên cạnh đó, các ngành và địa phương cần tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây là điều quan trọng bởi nhiều nơi đề nghị được cấp vốn nhưng nếu không có kế hoạch sử dụng thì việc bố trí rất khó.

Tập trung làm thủ tục đầu tư cũng là vấn đề mới cần lưu ý. Có những dự án ở giai đoạn trước, 2 năm đầu mới làm thủ tục đầu tư nên chỉ còn có 3 năm để thực hiện khiến các dự án rất chậm, không đáp ứng được tiến độ và yêu cầu của thời kỳ xây dựng. Do đó, ngay từ đầu của giai đoạn mới cần tập trung khâu này, từ chủ trương đến thủ tục chuẩn bị và phê duyệt…, trên cơ sở lựa chọn các dự án ưu tiên.

Cuối cùng, cần chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ với nhiều nguyên nhân từ giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư, thủ tục…

*Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Muốn lập dự án đầu tư cần phải có quy hoạch chi tiết

Ngành xây dựng hoàn toàn có đủ năng lực để tự thiết kế và thi công mọi công trình, mọi quy mô đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đây là nỗ lực rất lớn và đi đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế về chất lượng phát triển đô thị, quy hoạch, trật tự xây dựng, bản sắc chưa rõ trong kiến trúc đô thị và nông thôn.

Về nhiệm vụ năm 2021, Các địa phương cần quan tâm đến việc quy hoạch phát triển đô thị, coi đây là khâu đi trước, quyết định cho phát triển đô thị, chú ý đảm bảo thống nhất sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… theo quy định của Luật Quy hoạch. Đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500 để quản lý phát triển đô thị và lập kế hoạch đầu tư.

Hiện đã bỏ nhiều giấy phép quy hoạch và một số điều kiện khác. Cho nên, muốn lập dự án đầu tư kiên quyết bắt buộc phải có quy hoạch chi tiết. Nếu không làm chặt việc này sẽ vướng mắc quy định về quy hoạch.

Trong quá trình thực hiện, cố gắng lồng ghép vốn cho đầu tư phát triển đô thị trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm bổ sung các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực phát triển đô thị, tập trung cho hệ thống hạ tầng nhất là tại các đô thị nhằm tăng tính kết nối vùng. 

Cùng đó, ngành xây dựng sẽ triển khai Luật Kiến trúc, xây dựng các quy chế quản lý kiến trúc và đô thị, nông thôn để tạo bước chuyển mạnh trong việc phát huy bản sắc văn hóa, giá trị kiến trúc truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn.

*Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Sẽ có nhiều dự án tạo đột phá về hạ tầng

Trong vòng 2-3 tháng tới, chúng ta sẽ khánh thành 8 dự án lớn về hạ tầng giao thông. Cụ thể là, tuyến đường Vàm Cống – Rạch Sỏi 54 km sẵn sang khánh thành; Hầm Hải Vân 2 song song với Hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành toàn bộ tuyến; 2 đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang tiến hành nghiệm thu, có thể vận hành trong tháng 12/2021; Cầu Cửa Hội – cầu nối Nghệ An và Hà Tĩnh đã hoàn thành toàn bộ và đang nghiệm thu; cầu Thăng Long – một công trình ghi dấu ấn lịch sử lớn đã hoàn thành việc sửa chữa để tái khai thác.

Ngay ngày hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải cùng Viettel cũng công bố hoàn thành 35 trạm BOT thu phí không dừng giai đoạn 2 để đưa tổng số trạm thời điểm này lên tới con số 100/117 trạm thu phí vận hành tự động không dừng – 17 trạm còn lại cũng đang cố gắng hoàn thành sớm. Hiện còn 2 dự án lớn đang tập trung hoàn thành là chuẩn bị vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Đến thời điểm này, toàn bộ các thông số đã hợp lý và Bộ Giao thông đang cố gắng để bàn giao nhanh nhất cho Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác. Cùng đó, dự án Trung Lương – Mỹ Thuận cố gắng đưa vào vận hành.

Sắp tới ngành giao thông cũng khởi công thêm 8 dự án mới. Sân bay quốc tế Long Thành với gói thầu đầu tiên vào tháng 1/2021; dự án đường Mỹ Thuận – Cần Thơ là dự án cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long mong đợi sẽ khởi công 3 gói thầu để trong vòng 2 năm hoàn thành đến Cần Thơ; dự án Quốc lộ 19 nối Kon Tum với Bình Định đã xong 2 gói thầu và chuẩn bị khởi công.

Cùng đó là dự án tuyến tránh Long Xuyên hiện đang được phối hợp với địa phương để khởi công trong thời gian sớm nhất; tuyến Lai Châu – Lào Cai là dự án sử dụng vốn ADB đang giải phóng mặt bằng chờ khởi công; đoạn Nghĩa Lộ nối với Yên Bái; 2 gói thầu cuối cùng của 3 dự án đầu tư công vừa chuyển sang sử dụng ngân sách nhà nước với 13 gói thầu và đến thời điểm này đã có 11 gói thầu đã được thực hiện.

Cuối cùng là 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đến thời điểm này, trong số 5 dự án PPP thì có 3 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp để ký hợp đồng, nhanh chóng khởi công. 

Các dự án này đều đang cố gắng hoàn tất các thủ tục để khởi công trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện để hoàn thành tốt hoạt động xây dựng cơ bản.

Trong 5 năm tới, tại miền Bắc sẽ tập trung xây dựng tuyến vành đai 4 liên quan đến Hà Nội và nhiều tỉnh; dự án cao tốc Sơn La – Hòa Bình, Bắc Kạn – Chợ Mới; Hà Giang – Yên Bái; Hữu Nghị - Chi Lăng; Trà Lĩnh – Đồng Đăng.

Ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng tập trung vào 5 dự án cao tốc: Viên Chăn – Thanh Thủy – Quốc lộ 1; Gia Lai - Kon Tum – Bình Định; Đắc Lắc – Khánh Hòa; Phước Long - Bình Phước; đồng Nai – Lâm Đồng. Đây là những dự án đang nghiên cứu để tham mưu thực hiện.

Tại khu vực Đông Nam Bộ cũng sẽ triển khai 4 dự án: Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Hồ Chí Minh – Tây Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh – Chơn Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu.   

Đồng bằng Tây Nam Bộ cũng có 5 dự án sẽ được triển khai gồm: Cao tốc Cần Thơ – Càu Mau; Châu Đốc – Sóc Trăng; Rạch Giá; Cao Lãnh – An Hữu và quốc lộ 60.

Như vậy, thời gian tới, ngành giao thông sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và phân bổ kinh phí. Riêng đường hàng không sẽ tập trung vào 3 sân bay: Điện Biên, Chu Lai (Quảng Nam), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công. Riêng sân bay Nà Sản (Sơn La) cũng sẽ được nghiên cứu.

Cùng đó, trong lĩnh vực hàng hải sẽ đầu tư 10 cảng lớn để kết nối giao thông: Lạch Huyện, Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng – Hà Tĩnh, Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Vĩnh Tân (Bình Thuận), Cụm cảng Cái Mép Thị Vải, Cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Cụm cảng Quốc tế Tân An (Long An), cảng mới Trần Đề.

Với đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải cũng tham mưu Chính phủ để tháo gỡ khó khăn về các điểm cầu để nâng cao hiệu quả vận tài container, đặc biệt tạo kết nối giao thông thuận tiện. Đặc biệt, đề xuất tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục