Tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

10:57' - 24/12/2020
BNEWS Lĩnh vực đường bộ có nhiều đột phá, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011- 2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km.

Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025. Hội nghị diễn ra theo hình trực tuyến. 

Tại hội nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp và mục tiêu cho năm 2021 và nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng như: cao tốc Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành...

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đối với các chủ thể có liên quan; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về xã hội hóa công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, tiếp tục xử lý các tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Cùng đó, tập trung ưu tiên sửa chữa bảo trì trên các tuyến đường trọng yếu như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ khác có lưu lượng xe tăng trưởng cao.

Về quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc việc phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải.

Về kết quả kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để triển khai thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ và giải pháp cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. 

Theo đó, về công tác cải cách hành chính, Bộ Giao thông Vận tải đã bám sát vào Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính hàng năm và giai đoạn 2011-2020, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm như cải cách thể chế. Đồng thời, xây dựng, tinh gọn bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã kiện toàn, tinh giảm 130 đầu mối trong tổng số 1.118 tổ chức; phê duyệt phương án cắt giảm 35 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 166 thủ tục hành chính, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh (đạt tỷ lệ 67,36%).

Đã có 254 thủ tục được cung cấp ở mức độ 3, 4; hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 thủ trục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Về hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời kiện toàn công tác quản lý đầu tư xây dựng.

Nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Năm 2020, đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án; triển khai thi công 19 công trình dự án mới.

Về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, chất lượng quản lý bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được nâng cao.

Chất lượng, tiến độ công tác sửa chữa được cải thiện rõ rệt; nguồn vốn bố trí cho công tác quản lý bảo trì hiện nay ổn định và được tăng đáng kể (trung bình hàng năm tăng khoảng 3-8%), đã góp phần giảm nhẹ thiên tai, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông.

Về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng. Từ đó, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Đặc biệt, lĩnh vực đường bộ có nhiều đột phá, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011- 2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Trong quản lý vận tải và dịch vụ vận tải, vận tải đường bộ được đánh giá có sự cải thiện vượt bậc, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Vận tải đường sắt từng bước được nâng cao theo hướng hiện đại, đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn. Vận tải biển đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện rõ rệt.

Vận tải thủy nội địa đã tăng về thị phần sau khi đã tháo gỡ về các điểm nghẽn về hạ tầng, đưa vào khai thác các tuyến vận tải sông - biển. Vận tải hàng không đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng đạt 15%/năm về hành khách và 12%/năm về hàng hóa (đến năm 2020 có 75 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam). 

Từ đó, đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn vừa qua, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ,...

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt. Sản lượng vận tải giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7.559,621 triệu tấn hàng; đạt 20.617,8 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.431,356 triệu tấn; luân chuyển hành khách ước đạt 988,981 triệu hành khách.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng vận tải giảm sâu so với cùng kỳ các năm trước, nhất là lĩnh vực hàng không. Tính đến hết tháng 11 năm 2020, sản lượng vận tải giảm 29,7%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 7,9% và giảm 35,1% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn để toàn ngành tập trung giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả. Đó là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít.

Việc đầu tư cho khoa học công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vẫn còn hạn chế. Các quy định về bảo vệ môi trường còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chồng chéo, chưa có cơ chế giám sát đồng bộ ngay từ những khâu đầu để tăng cường tính phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn khó khăn.

Tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn như vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách.

Giai đoạn 2016 - 2020, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm so với giai đoạn 2011 - 2015 (giảm 19%), nhưng còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn giao thong trong khi phương tiện tham gia giao thông tiếp tục tăng, cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục