Tham vấn Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Đặt ưu tiên cho phát triển hạ tầng

18:45' - 09/01/2024
BNEWS Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.
Tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị quy hoạch Thủ đô cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, kết cấu đồng bộ, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị, các hình thức giao thông công cộng khác.

Theo đó, Bộ trưởng Dũng đề nghị, phát triển hạ tầng phải là ưu tiên số một, dẫn dắt các đột phá khác. Nếu làm được việc này, chúng ta cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề, giảm tắc nghẽn giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, giảm thiểu ô nhiễm, trở thành thành phố đáng sống. Do đó, cũng cần có cơ chế mạnh về vấn đề này.

“Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh có thể sẵn sàng vay 30 - 40 triệu USD, làm chương trình riêng, không được 10 tuyến thì cũng phải có 5-7 tuyến đường sắt đô thị. Như hiện nay, cả trăm năm nữa chúng ta cũng chưa làm xong, như vậy giải quyết thế nào vấn đề tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo ngại và đề nghị liên danh tư vấn, UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, xem xét kỹ việc phát triển hạ tầng.
 
Theo Bộ trưởng Dũng, hạ tầng hiện đại, đồng bộ sẽ tạo động lực mới cho Hà Nội phát triển vũ báo, thậm chí tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, chứ không chỉ như mục tiêu 8,5 - 9% hiện nay.

Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đánh giá, nội dung quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, tư lệnh ngành cũng đề nghị liên danh tư vấn, các chuyên gia đánh giá cụ thể nguyên nhân của tồn tại hạn chế, xác định các điểm cản trở Hà Nội phát triển chưa xứng với tiền tiềm năng. Giải pháp đưa ra cần có tư duy, tầm nhìn chiến lược để tạo ra các giá trị mới. Phát triển Thủ đô cần bám sát các nghị quyết trung ương, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, địa phương…

“Hà Nội phải giữ được vai trò liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô. Hà Nội tác động thế nào đến sự phát triển của vùng và vùng tác động ra sao tới sự phát triển của Hà Nội trong tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện cho liên danh 7 đơn vị tư vấn phân tích nên lựa chọn kịch bản tăng trưởng 8,5 – 9,5%. Các ngành phát triển tiềm năng là thương mại và dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp. Phát triển kinh tế đô thị lấy dịch vụ làm trụ cột và động lực tăng trưởng, phát triển tổng hợp các dịch vụ trên nền tảng không gian số.

“Thủ đô là đô thị đặc biệt, do vậy toàn bộ lãnh thổ phải được quản lý, phát triển theo quy chuẩn đô thị đặc biệt: quy chuẩn phát triển đô thị và nông thôn riêng của Thủ đô; không áp dụng các chuẩn nông thôn mới quốc gia cũng như tiêu chí phân loại đô thị, thị trấn, thị xã. Một vùng phát triển đặc thù, cần có những cơ chế và quyền tự quyết khác biệt so với các vùng khác”, GS.TS Cường kiến nghị.

Ông Cường cũng cho biết, dự thảo Quy hoạch Thủ đô có định hướng phát triển Trung tâm tài chính Hoàn Kiếm giai đoạn đến năm 2030. Đây sẽ là nơi đặt trụ sở các tổ chức tài chính lớn với dịch vụ tài chính số làm trung tâm, hệ thống thông tin kết nối, hệ thống đăng ký, kết nối thông tin giao dịch...

Về dịch vụ thương mại, dự thảo Quy hoạch nêu rõ phát triển kinh tế đô thị lấy dịch vụ làm trụ cột và động lực tăng trưởng, phát triển tổng hợp các dịch vụ trên nền tảng không gian số. Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, khu vực lõi của đô thị trung tâm sẽ phát triển các trung tâm thương mại và dịch vụ đời sống phục vụ người dân đô thị kết hợp phục vụ khách du lịch và vãng lai.

Phát triển không gian thương mại kết hợp dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe tại khu vực phố đi bộ mua sắm phục vụ khách du lịch kết hợp với các hoạt động kinh tế đêm khu phố cổ, hai bên sông Hồng.

Khu vực đô thị trung tâm mở rộng sẽ phát triển các trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp cao cấp tại khu vực đô thị mở rộng gắn với các trung tâm đô thị mới phát triển theo mô hình TOD, hình thành các khu thương mại tổng hợp tại các khu đô thị cao tầng, tập trung đông dân cư.

TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, tỉ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ trong tăng trưởng của Hà Nội giai đoạn vừa qua cũng có giới hạn, nhất là khi dịch vụ của Hà Nội không mang lại giá trị gia tăng cao.

Theo ông Sinh, Hà Nội cần đưa ra các mục tiêu phù hợp với chiến lược của cả nước, xứng đáng là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước và Đồng bằng sông Hồng, chiếm 13% GDP cả nước và hơn 40% GDP của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỉ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; tỉ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục