Tạo mô hình sinh kế để bảo vệ rừng bền vững

15:22' - 24/12/2021
BNEWS Phát triển các chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp giá trị cao hay du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là giải pháp giúp bảo vệ rừng một cách bền vững
Phát triển các chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp giá trị cao hay du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là giải pháp giúp bảo vệ rừng một cách bền vững. Đây là nội dung các ý kiến được đưa ra tại diễn đàn khuyến nông trực tuyến: Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 24/12.

Theo báo cáo từ Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp, trong 10 năm gần đây, nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách lâm nghiệp hỗ trợ người dân sống vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo sinh sống tại khu vực gần rừng, khu vực sâu, xa, khó khăn; trong đó có vùng đệm các khu bảo tồn. Các cơ chế, chính sách này đã góp phần quan trọng trong bảo vệ và phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đến nay cả nước đã thành lập được 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 2,3 triệu ha; trong đó diện tích có rừng là 2.173.231 ha.

Báo cáo tổng hợp từ các ban quản lý các khu bảo tồn cũng cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm có khoảng 1.100 lượt thôn/bản vùng đệm các Khu bảo tồn đã được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 43,8 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách nhà nước: 41,8 tỷ đồng, từ nguồn ngoài ngân sách 2 tỷ đồng. Các hạng mục hỗ trợ chủ yếu là xây dựng hạ tầng như đường giao thông, nhà cộng đồng, hệ thống nước sạch, cây trồng, vật nuôi và thiết bị tuyên truyền

Dù vậy, các ý kiến cũng cho rằng, chính sách đầu tư chưa quy định thống nhất về nguồn vốn đầu tư (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), các hạng mục đầu tư và mức đầu tư, dẫn đến các địa phương thực hiện không nhất quán. Đặc biệt, các công trình, dự án chủ yếu hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng đệm, thiếu các mô hình giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, dẫn đến đời sống người dân vẫn còn khó khăn, tác động đến tài nguyên rừng.

Theo ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam, có 3 giải pháp có thể phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm vườn quốc gia và khu bảo tồn. Thứ nhất là phát triển các chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp giá trị cao và lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp và thị trường đầu ra. Với việc lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, công ty thương mại, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, các chuỗi giá trị này có thể có những tác động đáng kể về kinh tế và môi trường. Một số sản phẩm mà Helvetas đã hỗ trợ như chè, quế, hồi, dược liệu, nhựa bồ đề, cacao, rau trái vụ...

Thứ hai là phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đặc biệt tại các khu bảo tồn gần với các điểm du lịch lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Bình và Đà Lạt; Hỗ trợ và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở những khu vực tiềm năng, thúc đẩy hợp tác với các công ty du lịch, tạo cơ hội phát triển kinh tế và khuyến khích hoạt động bảo tồn rừng và động vật hoang dã.

Thứ ba là đào tạo kỹ năng nghề cho thanh niên, và người dân địa phương, gắn với giới thiệu việc làm trong các công ty ở khu vực và địa phương; cần phối hợp với các tổ chức phi chính phủ giáo dục nghề nghiệp địa phương để hỗ trợ các nhóm đối tượng này tìm việc hoặc thành lập các các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ trong ngành dịch vụ cũng là cách giảm áp lực đối với tài nguyên rừng, ông Phạm Văn Lương cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm khai thác thủy sản dưới tán rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, KS. Phạm Vũ Ánh và ThS. Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, việc bảo tồn không thể tách rời lợi ích của cộng đồng. Để bảo vệ rừng ngập mặn, cộng đồng tham gia quản lý rừng sẽ chủ động các công việc về tuần tra kiểm soát để bảo vệ tài nguyên rừng, họ được sử dụng hợp pháp và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở dưới tán rừng được giao khoán. Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng hỗ trợ tư vấn thực hiện và hỗ trợ một phần kinh phí triển khai ban đầu; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng đối với rừng ngập mặn.

Việc các Ban quản lý rừng chủ động tạo nguồn thu ngoài ngân sách như phát triển du lịch sinh thái, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng,... để chia sẻ lợi ích với cộng đồng vùng đệm theo hướng đồng quản lý là giải pháp giúp việc bảo vệ rừng tốt hơn.

Đại diện Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ cho rằng, cần nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời lồng ghép các chương trình như xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để hỗ trợ vùng đệm.

Có thể hướng tới việc xã hội hóa bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; thí điểm giao  rừng đặc dụng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước quản lý, gắn với bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm…, Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đề xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục