Quý I, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao

12:19' - 29/03/2019
BNEWS Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng... nhưng tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 vẫn đạt 6,79% cao nhất so với giai đoạn 2011-2017.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Quý I/2019, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại, đầu tư giảm... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2019, cần thực hiện nhiều giải pháp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

Phóng viên: Xin ông đánh giá về tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2019 và những ngành, lĩnh vực nào có dấu hiệu khởi sắc giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong những tháng đầu năm?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại, đầu tư thế giới giảm, tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 vẫn đạt 6,79% cao nhất so với giai đoạn 2011-2017. Các ngành thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ thị trường và tiêu dùng của dân cư tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Cụ thể, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,90% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,18%; khu vực dịch vụ tăng 6,50%, đóng góp 43,91%. Về cơ cấu kinh tế quý I năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55%.

Phóng viên: Vậy, những khó khăn của ngành chăn nuôi lợn hiện nay do dịch tả lợn châu Phi sẽ tác động đến nền kinh tế như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Chăn nuôi lợn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam. Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến ngày 27/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 529 xã, 96 huyện thuộc 23 địa phương. Tổng số lợn bị tiêu hủy 82,2 nghìn con.

Với tổng số 3,4 triệu hộ chăn nuôi lợn, giá trị của chăn nuôi lợn hiện chiếm 52% giá trị ngành chăn nuôi và chiếm 11,7% ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi nói riêng và toàn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nói chung. Trong quý I, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch nhưng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn có mức tăng trưởng 3%. Nguyên nhân đàn lợn được phục hồi mạnh từ cuối năm 2018, giá bán lợn tăng cao và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi mới chủ yếu ở tháng 3.

Với kinh nghiệm của các nước đã bị dịch tả lợn châu Phi, từ khi bị dịch đến khi khống chế được và hết dịch mất khoảng gần 1 năm. Khi có dịch bệnh buộc phải tiêu hủy, giá thịt lợn xuống thấp, các hộ chăn nuôi không tái đàn có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của quý II và cả năm.

Phóng viên: Việc giá điện tăng 8,36% vừa qua của Bộ Công Thương cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất. Vậy, ngành thống kê có đề xuất gì để kiềm chế được lạm phát thời gian tới?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Ngày 20/3/2019, Bộ Công Thương đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng 8,36% so với mức hiện hành. Với mức tăng này làm chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 0,17%, làm CPI tăng khoảng 0,29% và làm GDP giảm khoảng 0,22%.

Để hạn chế thấp nhất tác động của tăng giá điện, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất hướng tới cắt giảm chi phí tiêu hao năng lượng, đặc biệt sử dụng điện; nghiên cứu tránh tập trung sản xuất vào giờ cao điểm, đầu tư thay thế thiết bị chiếu sáng tiêu hao ít năng lượng. Các doanh nghiệp cũng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, đầu tư nguồn điện mặt trời áp mái nhằm hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp một cách bền vững đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí về điện.

Điện là mặt hàng chiến lược, sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động rất mạnh đến lạm phát của nền kinh tế. Để giữ lạm phát năm 2019 dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, hàng tháng Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong khuôn khổ Ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia xây dựng và cập nhật kịp thời kịch bản điều hành giá đáp ứng mục tiêu của Quốc hội. Việc tăng 8,36% giá điện đã được tính toán trong kịch bản điều hành giá, kiểm soát lạm phát.

Phóng viên: Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế hiện nay, theo ông, cần phải có những giải pháp gì và tận dụng những cơ hội nào để tăng trưởng bền vững trong năm 2019?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% GDP trong năm 2019, trước mắt Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp như: kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công; cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể. Từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể phát triển, có chính sách phù hợp phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019…

Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công nhằm giải ngân kịp thời vốn đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân; nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, đối với ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường; chuyển đổi linh hoạt diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao; thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất.

Trước mắt, ngành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng ở lợn, xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để dịch tiếp tục lây lan, đồng thời chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh và cần có giải pháp bù đắp cho lĩnh vực chăn nuôi lợn…

Một trong những giải pháp cũng cần được chú trọng đó là khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng….

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục