Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2019?
Kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời duy trì đà tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, dự báo trong năm 2019, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gặp những khó khăn và thách thức.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,6-6,8% như kế hoạch Quốc hội giao, cần tận dụng mọi cơ hội: những thỏa thuận từ các FTA; cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển..., đặc biệt là tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Theo dự báo kinh tế thế giới năm 2019 sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro, thánh thức gia tăng. Ông nhận định gì về những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2018 vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra, đạt mức tăng trưởng 7,08%, quy mô mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện, thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%...Với kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2019 và các năm tiếp theo.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và tăng nhanh, hiện nay đã gấp đôi giá trị GDP, điều này chứng tỏ chúng ta khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ được thị trường thế giới.Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh thực tế nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động tới nền kinh tế trong nước. Trong khi đó kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thánh thức gia tăng.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 3,5% năm 2019.Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt không còn diễn ra đồng đều trên diện rộng như năm 2017 và đầu năm 2018, động lực của các nền kinh tế lớn suy giảm, hầu hết các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm lại.
Không những thế, cạnh tranh chiến lược tiếp tục gia tăng quyết liệt hơn thông qua liên kết kinh tế; đồng thời, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.Xu hướng tăng lãi suất, biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường.
Kinh tế Mỹ đang quá “nóng” do đó Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá tạo áp lực không nhỏ lên điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam đồng.
Bên cạnh yếu tố về thương mại toàn cầu suy giảm, cạnh tranh chiến lược tiếp tục gia tăng và biến động khó lường của thị trường tài chính - tiền tệ, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam… Doanh nghiệp là khu vực tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế, môi trường thể chế và sức khỏe “nội tại” của khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.Tuy vậy, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô; về y tế sức khỏe và quy mô thị trường.
Tuy vậy các chỉ số đóng vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đạt thấp như: năng lực đổi mới sáng tạo; thị trường lao động; khả năng tiếp cận công nghệ; kỹ năng lao động; năng động của doanh nghiệp và thị trường sản phẩm…
Đây là những thách thức không nhỏ, có tính lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Phóng viên: Trước những khó khăn và thách thức còn tồn tại, thưa ông, đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm Việt Nam hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cắt giảm sâu rộng. Việt Nam đã ký kết và bắt đầu triển khai các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cũng sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam.Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế.
Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới.Lĩnh vực công nghiệp cũng đã chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019.
Phóng viên: Là cơ quan xây dựng, hoạch định chính sách cho Chính phủ, Tổng cục Thống kê có những kiến nghị, đề xuất gì để kinh tế phát triển bền vững? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để phát huy hiệu quả của các động lực tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năm 2019, theo tôi, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể; đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi hoạt động ổn định lâu dài và tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP; đồng thời, tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA; nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản. Mặc khác, cần ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin cũng cần được đẩy mạnh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Phóng viên: Trong điều kiện tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển. Vậy, theo ông Việt Nam cần thực hiện những gì để tận dụng cơ hội này? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong điều kiện tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo dựng cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam; tuy nhiên, cũng đưa đến những thách thức gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới.Bên cạnh đó quy mô kinh tế Việt Nam hiện còn nhỏ, dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp. Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần có chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, tạo sự năng động của doanh nghiệp; đồng thời có chính sách và giải pháp mạnh mẽ, mang tính đột phá tạo dựng môi trường kiến tạo phát triển, đặc biệt phát triển khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới.Vì vậy, Chính phủ phải đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; trong đó, tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện ba khâu then chốt của nền kinh tế: đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Ngành thống kê sẽ đề xuất kịp thời các “kịch bản tăng trưởng kinh tế”
10:51' - 08/01/2019
Năm 2019, toàn ngành thống kê sẽ tập trung nâng cao chất lượng thống kê, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó có hiệu quả các biến động trên thị trường.
-
Kinh tế Việt Nam
Moody’s lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam
19:12' - 25/10/2018
Theo dự đoán của Moody’s, sau khi đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong sáu năm là 6,8% vào năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế Việt Nam phát triển đúng hướng và chuyển biến rõ rệt
16:56' - 24/10/2018
Bên lề Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nền kinh tế đất nước đang khả quan, thuận lợi và hướng tới sự phát triển bền vững.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế Việt Nam qua đánh giá của các chuyên gia quốc tế
20:40' - 08/10/2018
Các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiến lên phía trước trong khi một số nền kinh tế châu Á đang phải vật lộn với khó khăn.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Chủ tịch WB: Việt Nam là câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế
22:02' - 22/11/2024
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khẳng định: Việt Nam là câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần Thơ ứng trước hơn 410 tỷ đồng ngân sách địa phương nâng cấp Quốc lộ 91
20:32' - 22/11/2024
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký quyết định ứng trước kế hoạch vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 với số tiền hơn 410 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia
19:57' - 22/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Petronas sớm xây dựng chiến lược, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng trong năm 2025
19:32' - 22/11/2024
Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng ông Phan Kiều Hưng cho biết, đơn vị sẽ triển khai đầu tư xây dựng hai dự án trọng điểm trong năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng
17:22' - 22/11/2024
Vừa qua, tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đã cho phép nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
-
Kinh tế Việt Nam
Kết nối chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản Việt Nam - Nhật Bản
16:44' - 22/11/2024
Với lợi thế của Việt Nam và sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản, Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): cần tính toán để có lộ trình phù hợp
14:36' - 22/11/2024
Chính phủ cần phải tính toán để có lộ trình phù hợp đối với phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân, chứ không phải cứ nghĩ tăng thuế là tạo nguồn thu tốt hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Cân nhắc kỹ lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
13:45' - 22/11/2024
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Huy động tối đa nguồn lực hoàn thành 2 tuyến cao tốc
13:04' - 22/11/2024
Nhằm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Hậu Giang triển khai đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.