Quy trách nhiệm người đứng đầu trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

15:34' - 10/08/2017
BNEWS Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành nào, địa phương nào mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội.
Ngành đường sắt đang khẩn trương khắc phục sự cố tàu SP2 trật bánh tại ga Yên Viên xảy ra  gần đây. Ảnh Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức ngày 10/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá: “Nhiều hạng mục công việc triển khai tại Quyết định 994 chưa sát thực tế, có những công việc liên quan trực tiếp đến an toàn giao thông và tăng cường quản lý nhà nước chưa được thực hiện".

Vì vậy, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong thời gian tới, ngành đường sắt cần phải lựa chọn theo thứ tự ưu tiên những công việc cụ thể phải làm để thực hiện được mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Theo báo cáo của ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện ngành đường sắt có tới 5.564 điểm giao cắt; trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm (bao gồm 649 đường ngang có người gác; 360 đường ngang cảnh báo tự động và 507 đường ngang biển báo). Trong khi đó đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.045 điểm (chiếm 74%).

Ông Đới Sỹ Hưng chia sẻ, tình trạng hành lang an toàn giao thông đường sắt luôn bị lấn chiếm do dân cư sống ven dọc đường sắt tự mở các lối đi qua đường sắt có tồn tại quá nhiều, có hơn 300 km đường bộ chạy dọc song song với đường sắt, điều này đã gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm an toàn đường sắt.

Ông Đới Sỹ Hưng còn cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân sống dọc hai bên đường sắt và của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, trình độ nhận thức còn hạn chế; trong khi đó công tác tuyên truyền hướng dẫn vận động quần chúng nhân dân thực hiện pháp luật về đường sắt chưa được quan tâm đúng mức.

Về kết quả thực hiện Quyết định 994 từ năm 2014 -2017, do mới được bố trí vốn 280/560 tỷ đồng (50%) của hạng mục 291 đường ngang, còn các hạng mục khác như hạng mục giải phóng mặt bằng, hạng mục đường gom và hàng rào cách ly, hạng mục cầu vượt đường sắt… chưa được bố trí vốn nên hầu hết các dự án công trình an toàn giao thông chưa được triển khai hoặc chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đề cập khó khăn về vốn trong xây dựng các công trình bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, dù khó khăn về vốn nhưng Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép dùng tiền trong Quỹ bảo trì đường bộ để ưu tiên làm gờ giảm tốc tại các đường ngang dân sinh. Đây là một giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh phí đầu tư, vì vậy trong thời gian tới Tổng công ty Đường sắt cần phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng cụ thể kế hoạch này.

“Trước đây đã có chủ trương nhưng do phối hợp giữa hai lĩnh vực đường bộ đường sắt chưa nhịp nhàng nên hiệu quả thực tế chưa cao. Việc làm gờ giảm tốc tại các đường ngang dân sinh bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, do đó cần tập trung thực hiện giải pháp này”, Thứ trưởng Thọ đánh giá.

Chia sẻ về quá trình thực hiên Quyết định 994, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, hiện tại đường sắt chạy qua địa phận Hà Nội có tới 570 vị trí đường ngang, trong đó có 185 đường ngang hợp pháp còn lại hơn 300 đường ngang dân sinh.

Hà Nội đã triển khai 19 vị trí cảnh giới đường ngang, kết quả các vị trí này sau khi được bố trí cảnh giới đã không để xảy ra tại nạn giao thông. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục rà thực hiện nhiều giảm pháp để giảm tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có việc rà soát đường ngang dân sinh trái phép, đầu tư giảm cao độ giữa đường bộ và đường sắt….

Là đơn vị tham mưu cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc thực hiện Quyết định 994, ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh an toàn đường sắt chia sẻ, cứ trung bình 1,85 km đường sắt có 1 vị trí giao cắt, mật độ rất cao, thực trạng như vậy cùng với ý thức người đân chưa cao dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt rất cao. Hiện số vụ tai nạn tại đường ngang dân sinh chiếm tới 70% số vụ tai nạn đường sắt. Với hơn 4.000 lối đi dân sinh đang tồn tại thì nguy cơ xảy ra tai nạn là không hề nhỏ.

“Do đó, giải pháp cấp bách có tác động trực tiếp đến tai nạn giao thông đường sắt là phải giải quyết được lối đi dân sinh. Tổng công ty đường sắt đang rà soát, thống kê, phân loại lối đi dân sinh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp như: rào kín, xóa bỏ lối đi dân sinh, rào thu hẹp nhằm hạn chế phương tiện cơ giới lớn đi qua, cắm biển cảnh báo, cảnh giới tại các đường ngang phòng vệ, cảnh báo, cảnh giới tại lối đi dân sinh”, ông Phạm Nguyễn Chiến thông tin.

Ông Phạm Nguyễn Chiến còn khẳng định, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành nào, địa phương nào mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị đường sắt, một số địa phương còn tồn tại tình trạng trên “nóng” dưới “lạnh”.

"Trên quyết liệt trong chỉ đạo nhưng ở dưới chưa thấy rõ sự quyết liệt trong thực hiên, do đó cần phải quy định trách nhiệm người đứng đầu trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tới cụ thể từng cấp xã, phường, đặc biệt không để phát sinh đường ngang dân sinh mới", ông Chiến nói.

Còn theo ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa, để không phát sinh các đương ngang bất hợp pháp, đề nghị các địa phương không cấp đất xây dựng trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đồng thời bố trí đường đi hợp lý để tránh mở lối di dân sinh qua đường sắt.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, 7 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường sắt nhưng là do người dân tự ý leo qua hàng rào bảo vệ. Vì vậy có thể nói người dân ý thức còn chưa cao. Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị làm gờ giảm tốc ở 4 vị trí và làm đường nối để đóng 2 đường ngang không có người gác.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, để bảo đảm phòng ngừa tai nạn giao thông trên đường sắt, lực lượng công an đã tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm của người tham gia giao thông. Lực lượng công an kiến nghị cần sớm cho xây dựng các gờ giảm tốc tại các đường ngang dân sinh, đồng thời giải phóng tầm nhìn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc giá Khuất Việt Hùng cho rằng, giải pháp trước mắt là phải tập trung làm luôn đường gom vì càng làm sớm càng tốt và giải quyết dứt điểm luôn. Liên quan đến địa phương, đề nghị cần kiểm đếm thật rõ, rút kinh nghiệm vụ tai nạn giao thông đường sắt tại Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua, UBND xã có văn bản không đồng ý đóng đường ngang dân sinh để phát triển kinh tế và chịu trách nhiệm về an toàn giao thông tại vị trí này.

Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn thì UBND thành phố Hà Nội đã xử lý trách nhiệm đến đâu. Do đó khi để phát sinh lối đi tự mở thì chính quyền xã chịu trách nhiệm và phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt ưu tiên số một vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động. Cùng với đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần rà lại những công việc đường sắt phải làm, đặc biệt việc bảo đảm an toàn giao thông, trong đó cần chú ý đến các vấn đề như làm gờ giảm tốc, rào chắn tự động, hành lang, quy hoạch, phải làm từ giờ đến cuối năm một cách quyết liệt.

Thứ trưởng Thọ yêu cầu ngành đường sắt không nên dàn trải mà tập trung vào những vấn đề ưu tiên và phải giải quyết dứt điểm. Cần tăng cường thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương. Cố gắng đưa vào quy chế phối hợp những nội dung cần làm thật cụ thể. Đặc biệt là không tách rời vai trò trách nhiệm của các địa phương trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. /.

>>Ngành đường sắt xử lý trách nhiệm sau sự cố giao thông tại Ga Suối Vận

 >>Thủ tướng chỉ thị lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục