Quy trách nhiệm người đứng đầu trong việc sử dụng vốn đầu tư công

12:49' - 27/05/2019
BNEWS Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải siết chặt lại kỷ cương; đồng thời phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian qua, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm gây tác động bất lợi đến nền kinh tế, ngoài việc không thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nó còn làm gia tăng tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công.

Đáng chú ý, nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công bị điều chỉnh nhiều lần dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ..., gây bức xúc trong dư luận. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải siết chặt lại kỷ cương; đồng thời phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng trên. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) để làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Phóng viên:Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Để triển khai được dự án thì phụ thuộc vào rất nhiều khâu. Đầu tiên phải xét đến chính sách có vấn đề gì không? Theo tôi, cần phải xem xét lại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, bởi việc phân vốn chỉ là ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư công thì tất cả các công trình phải được đưa vào kế hoạch dài hạn (5 năm).

Khi triển khai dự án phải được lập trình từ dưới lên và phải chốt trong kế hoạch đã định. Trong trường hợp dự án được chuyển xuống dưới cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải lập thiết kế cơ sở và trình Bộ Xây dựng. Khi Bộ Xây dựng thẩm định xong thì mới tổ chức đấu thầu, nếu có vướng mắc liên quan đến vốn thì lại báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rồi tiếp tục thẩm định lại vì liên quan đến việc thay đổi quy mô, thay đổi kết cấu của dự án.

Ví dụ, nếu như tôi làm cái nhà bằng tiền của tôi và theo nhu cầu của tôi, đến khi triển khai bao giờ cũng có phát sinh nhưng tôi có thể quyết được ngay. Nhưng đối với việc sử dụng vốn đầu tư công thì phải làm theo đúng quy trình như tôi đã nói ở trên. Đặc biệt, mỗi khi phát sinh vấn đề thì phải làm lại, mà làm lại thì còn dài hơn làm từ đầu, do đó dẫn đến chậm tiến độ.

Trong khi đó, 1 năm có khoảng 2.000 công trình trên toàn quốc và với việc chỉnh sửa, thay đổi... chỉ tập trung vào Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ; thậm chí có những dự án phải trình cả Quốc hội vì liên quan đến nguồn vốn.

Mặt khác, quá trình triển khai của chủ đầu tư, liên quan đến vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, một số dự án có thời gian kéo dài, vốn đầu tư cũng bị chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác... Tất tần tật nguyên nhân cộng lại, dẫn đến chậm.

Phóng viên:Có rất nhiều dự án bị kéo dài thời gian dẫn đến đội vốn gây bức xúc dư luận. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tất cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công hiện nay đa số phải điều chỉnh, thậm chí có dự án phải điều chỉnh đến 39 lần, còn việc điều chỉnh 5 – 6 lần là bình thường. Từ đó, dẫn đến chuyện đầu tư công và đầu tư tư nhân đang ngược chiều nhau.

Cụ thể, đối với đầu tư công thì làm dự án rất nhanh, nhưng sai sót thì rất nhiều, triển khai thì rất chậm, hiệu quả rất thấp. Còn đối với đầu tư tư nhân thì họ chuẩn bị rất kỹ, triển khai rất nhanh và hiệu quả cao.

Tức là ở đây khối đầu tư công có chuyện vẽ dự án, còn chuyện phát sinh vốn thì tính sau dẫn đến rất nhiều hệ lụy, vốn càng nhiều nhưng hiệu quả càng thấp đi. Cụ thể như dự án Đường sắt trên cao Hà Nội; Metro tại Tp. Hồ Chí Minh...

Phóng viên:Ông có nhắc đến 2 dự án đường sắt tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Vậy trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào khi để dự án chậm tiến độ và đội vốn?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, cả hai dự án đều có lỗi khách quan và chủ quan. Khi triển khai dự án, bao giờ cũng xuất hiện những yếu tố phát sinh mà chúng ta không thể lường trước được, thì đó là yếu tố khách quan.

Về yếu tố chủ quan, tôi cho rằng có việc làm không hết trách nhiệm của những người thực thi công vụ. Vậy thì dẫn đến những việc đội vốn, kéo dài thời gian. Khi xảy ra hậu quả như vậy, người ta lại có rất nhiều lý do để giải trình rất thuyết phục. Nhưng theo quan điểm của tôi, kể cả anh giải thích thuyết phục đi chăng nữa thì vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đó, nhưng ở đây chẳng ai chịu trách nhiệm cả.

Do đó, vấn đề là chúng ta phải có kỷ cương về việc này. Tôi ví dụ đối với các chính trị gia các nước, là bộ trưởng của một ngành mà để xảy ra một việc gì đó tác động xấu đến xã hội, người ta từ chức ngay.

Phóng viên:Cần phải có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Vấn đề là kỷ cương. Việc đội vốn, kéo dài dự án cũng chẳng ai làm sao cả. Hiện nay, vốn đầu tư phân cho người đứng đầu, cụ thể là Bộ trưởng, rồi Chủ tịch tỉnh, rồi mới đến các chủ đầu tư, đến người quản lý cụ thể.

Nhưng tôi chưa thấy một trường hợp nào triển khai chậm, kéo dài tăng vốn mà bị kỷ luật cả; trừ khi tham nhũng thì mới bị xử lý, còn chậm và để lại hậu quả thì chưa thấy ai bị sao.

Nên cái quan trọng nhất ở đây chính là kỷ cương, chính là chế tài, trách nhiệm công vụ vì đầu tư công là cán bộ công chức thực hiện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nhưng cái này làm chưa được, cần phải chấn chỉnh.

Phóng viên:Xin cảm ơn ông!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục