Quyết định của Fed có khiến ECB “sốt ruột”?

15:31' - 20/09/2024
BNEWS Quyết định giảm mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã làm gia tăng những dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách vào tháng 10.

Nhưng với thực trạng kinh tế khác nhau ở hai khu vực, dự đoán này chưa chắc đã đúng. ECB đã cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu và đầu tháng này. Và nhiều quan chức đã “úp mở” rằng ngân hàng này sẽ đều đặn cắt giảm lãi suất hàng quý nhằm đảm bảo kiềm chế lạm phát một cách lâu dài.

 

Dù bước đi dài mới đây của Fed đã củng cố các lập luận cho rằng ECB đang chậm chân khi nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao, tình hình kinh tế không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Chính vì thế, những người có thiên hướng ủng hộ chính sách tiền tệ thắt chặt trong Hội đồng điều hành của ECB, hay còn gọi là phe "diều hâu", có thể biện hộ cho đề xuất “án binh” chờ đến tháng 12.

Ông Dirk Schumacher, chuyên gia kinh tế của Natixis, cho rằng việc ECB cần cắt giảm lãi suất vào tháng 10 vì quyết định của Fed là một lập luận vô lý và sẽ không được ủng hộ tại Hội đồng điều hành của ECB. Theo ông, cách duy nhất để biện hộ cho việc ECB cần hạ lãi suất vào tháng 10 là lập luận rằng việc Fed giảm lãi suất sẽ làm thay đổi số liệu kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Điều này cũng được phản ánh trong các dự đoán của thị trường. Thị trường hiện đang dự đoán khả năng 35% ECB sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 10, cao hơn mức 30% một ngày trước. Đây là một sự thay đổi nhỏ nhưng vẫn đáng chú ý. Như vậy, tháng 12 vẫn là thời điểm mà ECB có khả năng cao nhất sẽ hạ lãi suất.

Bên cạnh đó, ECB có lý do để có thể “thong thả” hơn. Theo nhiều ước tính khác nhau, bao gồm cả ước tính của chính ECB, ngân hàng này có 5 hoặc 6 đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm để đạt được mức lãi suất "trung tính" ở khoảng 2-2,25%. Trong khi đó, Fed có thể phải thực hiện tám đợt giảm như vậy để đạt mức lãi suất trung tính. Vì thế, ECB và Fed có thể vẫn đi “đến đích” cùng lúc.

Ngoài ra, lạm phát của khu vực Eurozone, hiện ở mức 2,2%, có thể tăng lên tới 2,5% vào cuối năm nay và có khả năng giảm dần xuống chỉ còn 2% vào cuối năm 2025, do áp lực tiền lương đẩy chi phí dịch vụ tăng lên. Đây là lý do tại sao phe "diều hâu" cảnh báo không hành động vội vàng.

Phe "diều hâu" lập luận rằng tăng trưởng tiền lương vẫn quá nhanh. Tiền lương đã tăng 4,7% trong quý II, cao hơn nhiều so với mức 3% - mức được coi là phù hợp với mục tiêu lạm phát của ECB. Và các công đoàn vẫn đang tiếp tục yêu cầu tăng lương nhiều để bù đắp cho sự sụt giảm trong thu nhập thực tế.

ECB cũng hầu như không còn số liệu thực sự có liên quan nào trong bốn tuần trước cuộc họp ngày 17/10 để xem xét. Phải đến gần tháng 12 thì các số liệu về tiền lương và tăng trưởng, cũng như những dự báo cập nhật mới được công bố. Như vậy, ECB chỉ còn biết dựa vào các số liệu thứ cấp, như dữ liệu khảo sát về hoạt động cho vay và kế hoạch của doanh nghiệp. Để ECB hạ lãi suất vào tháng 10 thì các số liệu này phải cho thấy một sự sụt giảm lớn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, phe "bồ câu", tức những người có thiên hướng ủng hộ chính sách tiền tệ nới lỏng, chủ yếu đến từ khu vực Nam Âu, vẫn tiếp tục đưa ra lập luận cho việc nới lỏng chính sách sớm hơn.

Ông Mario Centeno, Thống đốc Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha, cho rằng triển vọng tăng trưởng đang xấu đi rất nhanh, đến mức ECB có thể không đạt được mục tiêu lạm phát của mình nếu không hành động nhanh chóng.

Theo lập luận của phe "bồ câu", tăng trưởng đang suy yếu, ngành công nghiệp đang suy thoái, hoạt động tiêu dùng yếu và người dân đang tăng cường tiết kiệm, có thể vì lo ngại nền kinh tế sẽ suy yếu. Tất cả những yếu tố này đều có xu hướng khiến lạm phát giảm xuống.

Phe "bồ câu" cho rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu vào tháng Chín và, ngay cả khi tăng trở lại trong những tháng tới, thì cũng không có khả năng xảy ra tình trạng lạm phát tràn lan, đặc biệt khi giá năng lượng vẫn thấp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục