Quyết định của Qatar tác động như thế nào tới vị thế của OPEC?

11:58' - 04/12/2018
BNEWS Với quyết định bất ngờ rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Qatar trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên rời OPEC kể khi được sáng lập năm 1960.

Theo giới phân tích, mặc dù chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sản lượng dầu mỏ của OPEC, song quyết định của Qatar đang đặt ra nhiều thách thức với tổ chức này.

Toàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc tháng 2/2017. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 3/12, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi tuyên bố quốc gia vùng Vịnh này sẽ rút khỏi OPEC vào tháng Một tới để tập trung vào sản xuất khí đốt. Ông al-Kaabi cho biết quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới này lên kế hoạch nâng lượng xuất khẩu từ 77 triệu tấn khí đốt/năm lên 100 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, Qatar cũng sẽ tăng sản lượng dầu mỏ. Hiện nước này chỉ sản xuất 600.000 thùng dầu/ngày, đứng thứ 11 về sản lượng tại OPEC. Với việc chỉ đóng góp chưa đến 2% tổng sản lượng dầu, quyết định rút khỏi OPEC của Qatar sẽ không có ảnh hưởng lớn đến vai trò của tổ chức này trên thị trường.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim Al Thani cho rằng quyết định của Qatar là một bước đi khôn ngoan và việc ở lại OPEC không còn đem lại lợi ích cho nước này.

Đánh giá về quyết định của Qatar, Iran cho rằng động thái này cho thấy sự thất vọng của các nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Saudi Arabia và Nga trong việc quyết định cắt giảm sản lượng nhằm giúp kiểm soát giá dầu.

OPEC, Nga và một số nhà sản xuất khẩu dầu thô lớn ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2017 đến hết năm 2018, nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường và vực dậy giá dầu, vốn giảm mạnh từ mức 110 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống còn 30 USD/thùng vào năm 2016.

Tương lai của OPEC đang đứng trước những thử thách mới sau khi Qatar bất ngờ thông báo “chia tay” liên minh dầu mỏ giàu ảnh hưởng này kể từ ngày 1/1/2019 tới sau gần sáu thập kỷ gắn bó.

Quyết định này được đưa ra chỉ ít ngày trước khi OPEC và các nước đối tác dự kiến tổ chức cuộc họp tại thủ đô Vienna (Áo) và trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng về kinh tế và chính trị giữa Qatar với Saudi Arabia, quốc gia giữ quyền quyết định chủ chốt trong OPEC, vẫn chưa lắng dịu.

Một số nhà phân tích đánh giá ngoài các lý do liên quan tới giá dầu và chính sách phát triển khí đốt, không loại trừ trong quyết định này của Qatar còn có yếu tố chính trị.

Toàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc tháng 2/2017. Ảnh: AFP/ TTXVN

Saudi Arabia đang là quốc gia chi phối lớn nhất trong OPEC. Quan hệ giữa Saudi Arabia và Qatar vẫn đang căng thẳng kể từ khi Saudi Arabia cùng ba nước vùng Vịnh khác là Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập từ tháng 6/2017 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các tuyến vận tải với Qatar do cáo buộc chính quyền Doha hỗ trợ khủng bố.

Tuy nhiên, Qatar luôn bác bỏ cáo buộc này. Trong khi đó, Bộ trường năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi khẳng định, việc rút khỏi OPEC đơn thuần chỉ là một quyết định mang tính kinh tế thuần túy để tập trung vào sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) và không mang động cơ chính trị.

Qatar không phải là quốc gia đầu tiên rời khỏi OPEC. Indonesia, Gabon và Ecuador trước đó từng rời bỏ tổ chức dầu mỏ này và quay trở lại. Riêng Indonesia đã rút khỏi OPEC lần thứ hai hồi năm 2016 và vẫn chưa trở lại OPEC kể từ đó.

Cho dù Qatar không phải là một nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt nếu so sánh với các thành viên khác trong OPEC, song quốc gia này lại là một trong những thành viên có tầm ảnh hưởng nhất.

Doha giữ vai trò trung gian và cầu nối quan trọng giữa OPEC và các đối thủ dầu mỏ lớn khác, cũng như giúp xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ rất quan trọng giữa OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác hồi năm 2016, giúp kéo giá dầu thoát khỏi mức thấp kỷ lục tại thời điểm đó.

Các nhà phân tích tại tờ New York Times thì cho rằng hoạt động chuyển hướng sang LNG của Qatar hầu như không tạo ra xung đột lợi ích với các thành viên khác trong OPEC. Quốc gia này đã dành hàng thập kỷ xây dựng ngành công nghiệp khí đốt ngay khi đang là thành viên của OPEC.

Doha đã phát triển nguồn tài nguyên khí đốt của họ thông qua mối quan hệ hợp tác với các công ty dầu mỏ chủ chốt như Exxon Mobil và Royal Dutch Shell. Như vậy, có thể thấy Qatar đã xác định rõ sự tập trung vào khí đốt tự nhiên, đặt cược vào nguồn tài nguyên khổng lồ mà họ đang kiểm soát này. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ LNG cũng ghi nhận sự phát triển nhanh hơn so với dầu mỏ hay khí đốt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục