Ra mắt bộ sách Lịch sử ngành công thương

18:08' - 12/05/2023
BNEWS Chiều 12/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố bộ sách Lịch sử ngành công thương Việt Nam 1945 - 2010 và Biên niên sử công thương Việt Nam 2011 – 2020.
Nhiều chuyên gia đánh giá đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực chào mừng 72 năm Ngày Truyền thống của ngành công thương (14/5/1951 - 14/5/2023).

Trải qua hơn 2/3 thế kỷ xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành công thương Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước và đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Qua đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại dấu ấn lịch sử vẻ vang, những giá trị truyền thống mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã dày công xây dựng, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của việc gìn giữ, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV (giữa năm 2021), Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã thống nhất chủ trương nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách Lịch sử ngành công thương Việt Nam.

Sau gần 2 năm thực hiện, với quyết tâm cao và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học và tận tụy, cùng với sự tham gia, hỗ trợ tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, đến nay bộ sách Lịch sử ngành công thương Việt Nam đã hoàn thành, đủ điều kiện để xuất bản, công bố rộng rãi với bạn đọc trong và ngoài ngành.

 
Bộ sách được nghiên cứu, xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc với gần 900 trang của cuốn sách Lịch sử ngành công thương Việt Nam 1945 - 2010” và gần 1.600 trang, trình bày hơn 1.400 sự kiện trong 2 tập Biên niên sử công thương Việt Nam 2011 - 2020, tập 1 (2011 - 2015) và Biên niên sử công thương Việt Nam 2011 - 2020, tập 2 (2016 - 2020). Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện ngành công thương qua các thời kỳ lịch sử (cả lịch sử ngành và lịch sử tổ chức của ngành, hệ thống các ngành, phân ngành).

Mặt khác, công trình cũng đã tái hiện lại một cách hệ thống, chân thực, khách quan những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và những thời điểm khó khăn, thách thức mà ngành đã trải qua, xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá bộ sách là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú và có độ tin cậy cao; xứng đáng được coi là một công trình quan trọng của lịch sử Việt Nam, lịch sử kinh tế Việt Nam, lịch sử Chính phủ Việt Nam, đóng góp vào kho tàng lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hơn nữa, đây cũng là “cẩm nang” rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với ngành công thương cũng như những đóng góp, cống hiến của ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bộ sách còn là tài liệu tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của ngành, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là thế hệ trẻ nắm chắc, hiểu rõ giá trị truyền thống, góp phần tạo lập, nuôi dưỡng niềm tự hào, tình yêu ngành, yêu nghề và hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực phấn đấu cùng toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: 72 năm qua, ngành công thương đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, để lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang, những giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã dày công xây dựng, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.

“Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành công thương Việt Nam. Dù trong từng giai đoạn, thời kỳ, chia tách rồi sáp nhập với các tên gọi khác nhau; dù chức năng, nhiệm vụ có những lúc thay đổi hoặc ngay cả khi có cán bộ chủ chốt ngành mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng ngành vẫn luôn giữ vững vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.

Để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, phát huy giá trị của bộ sách đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngay sau sự kiện này, Tạp chí Công Thương chủ trì, phối hợp với Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về nội dung của bộ sách.

Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn thể và hệ thống các trường học, doanh nghiệp thuộc ngành khẩn trương tổ chức quán triệt, nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về nội dung bộ sách bằng các hình thức phù hợp.

Cùng đó, các đơn vị chuyên môn, cơ quan chức năng thuộc Bộ tập trung nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm, nhất là các bài học trong quá trình triển khai thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để từ đó cải thiện, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện và chỉ đạo, điều hành của ngành trong thời gian tới.

Đại diện nhóm tác giả, bà Đặng Thị Ngọc Thu, Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương cho biết: Bộ sách Lịch sử ngành công thương Việt Nam đã áp dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu xã hội học, gặp gỡ nhân chứng lịch sử…

Việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đã giúp tái hiện lịch sử ngành và nền kinh tế một cách liền mạch, được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều, đồng thời cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý kinh tế.

Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định: Bộ sách được biên soạn công phu và khái quát những chặng đường phát triển, qua đó cho thấy những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là tài liệu có giá trị góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế của đất nước nói chung cũng như đối với ngành công thương trong 72 năm xây dựng và phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục