Ra mắt Nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC

17:57' - 23/10/2020
BNEWS Ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ ra mắt Nền tảng định danh điện tử có tên gọi VNPT eKYC.

Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhằm cụ thể hóa “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC là sản phẩm cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Tập đoàn VNPT) làm chủ về công nghệ. Tính năng cơ bản, quan trọng của nền tảng định danh này là giúp xác minh, nhận dạng và trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân.

Nền tảng định danh này được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện dựa trên các công nghệ 4.0 như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và nhận dạng sinh trắc học (Biometric Recognition).

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, trong môi trường số, mọi người đều có nhu cầu được biết ai là ai, và ai đã làm gì trên không gian mạng. Định danh số là bước đầu tiên, cấp giấy thông hành cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức vào thế giới số.

Sở hữu tập dữ liệu lớn của riêng người Việt và khả năng OCR (nhận dạng chữ) chính xác cao, nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC có thể nhận dạng khách hàng, xác thực giấy tờ, kiểm tra gian lận và hỗ trợ khách hàng thông qua video call. Đặc biệt có thể cảnh báo các trường hợp bất thường như có dấu hiệu tẩy xóa, mờ, nhòe, bị che thông tin, phát hiện giấy tờ chụp lại qua màn hình máy tính, điện thoại, phát hiện chứng minh thư nhân dân đã bị cắt góc, bị quá hạn.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, tiêu chí để Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn các nền tảng Make in Vietnam giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng gồm 2 bước. Bước thứ nhất là sàng lọc sơ loại. Những sản phẩm được chọn ra mắt vào thứ 6 hàng tuần là những giải pháp đã có hiệu quả trong thực tiễn và được đánh giá sơ bộ bởi Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bước hai, Cục Tin học hóa sẽ ban hành văn bản yêu cầu đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm nêu cụ thể về chức năng và tính năng kỹ thuật của nền tảng được lựa chọn. Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đánh giá về mặt kỹ thuật để đảm bảo các yếu tố về chức năng, tiềm năng và đặc biệt là đảm bảo an toàn an ninh mạng, lưu trữ bảo mật dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân khi được đưa vào sử dụng.

Những nền tảng công nghệ đã và sẽ được lựa chọn để ra mắt là sẽ hình thành nên hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm.

Định danh trực tuyến (viết tắt là eKYC) là phương thức định danh khách hàng trên môi trường internet. Thay vì phải trực tiếp đến tận nơi để thực hiện giao dịch, thông qua phương thức định danh trực tuyến (eKYC) mọi người dân có thể ngồi ngay tại chỗ để thực hiện các giao dịch điện tử mọi lúc, mọi nơi với độ chính xác cao.

Với sự trợ giúp công nghệ như xác thực khuôn mặt, đối chiếu thông tin… các vấn đề bảo mật các nhân được đảm bảo tối ưu trong phương thức định danh trực tuyến.

Vài năm gần đây, công nghệ định danh điện tử (eKYC) đang trở nên phổ biến và được chính phủ nhiều quốc gia đề xuất sử dụng để cung cấp dịch vụ định danh hoặc xây kho dữ liệu mở giúp định danh công dân, hạn chế gian lận.

Định danh điện tử sẽ là xu hướng công nghệ của tương lai và là yếu tố cần thiết của mọi cá nhân khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng internet, đặc biệt khi tham gia các giao dịch trong nền kinh tế số.

Tại Việt Nam, từ tháng 7/2020, khoảng 10 ngân hàng được cho phép thử nghiệm eKYC, cho phép khách hàng đăng ký tài khoản trực tuyến (online) để thực hiện các giao dịch điện tử, thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục