Rà soát, hoàn thiện để có nguồn số liệu thống kê thống nhất

15:46' - 04/12/2023
BNEWS Tổng cục Thống kê nghiên cứu và công bố về chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP dựa trên cơ sở lý luận và phương pháp tính đã được công nhận, đảm bảo tính so sánh quốc tế

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo “Phương pháp và kết quả đo lường chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động. Công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề của các doanh nghiệp, người dân trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao về thẩm quyền tính toán và công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP, Tổng cục Thống kê đã triển khai và thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với nhiều công việc, hoạt động cụ thể.

“Kết quả được Tổng cục Thống kê nghiên cứu và công bố về chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP  dựa trên cơ sở lý luận và phương pháp tính đã được công nhận, đảm bảo tính so sánh quốc tế cũng như có xét đến sự phù hợp với tình hình chung của cả nước”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Để có căn cứ biên soạn chỉ tiêu về kinh tế số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia; trong đó, có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Theo các quy định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP.

Để đo lường chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê đã khẩn trương nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê hoàn thiện kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP giai đoạn 2020-2022.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê đã trình bày phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam.

Theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu họat động kinh tế. Kinh tế số bao gồm các ngành hỗ trợ kinh tế số (ngành kinh tế số lõi) và các ngành được hỗ trợ bởi ngành kinh tế số (ngành kinh tế được số hóa).

Báo cáo cho biết, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 12,75% và năm 2022 là 12,67%; trong đó, ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,77% (chiếm 61,29%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 38,71%).

Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 6,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 6,11%; số hóa trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2020-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.

Giai đoạn 2020-2022, quy mô kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,54% năm 2020 lên 6,61% năm 2022.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, góp ý về nội dung liên quan tới phương pháp và kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP của Việt Nam.

Theo đó, các ý kiến góp ý của chuyên gia quốc tế Ngân hàng Thế giới (WB), chuyên gia trong nước về kinh tế số cũng như ý kiến của các địa phương đều đồng tình và đánh giá cao nghiên cứu cũng như những kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP. Hầu hết, các đại biểu cho rằng, phương pháp luận của Tổng cục Thống kê trong tính toán chỉ tiêu này đã đảm bảo độ tin cậy, thông tin đảm bảo tính minh bạch và có tính so sánh quốc tế.

Đánh giá cao những nghiên cứu và kết quả tính toán của Tổng cục Thống kê. Với thẩm quyền biên soạn và công bố chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông yêu cầu Tổng cục Thống kê tiếp tục rà soát, tổng hợp và hoàn thiện về phương pháp luận cũng như rà soát các số liệu tổng hợp, đầy đủ hơn nữa để có được nguồn số liệu thống nhất; tránh trùng lắp, đúng quy định đi đến thống nhất cuối cùng để công bố chính thức chỉ tiêu này theo đúng kế hoạch, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Tổng cục Thống kê để thống nhất nguồn số liệu, rà soát số liệu đầu vào; Tổng cục Thống kê cần chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn đối với các địa phương”, Thứ trưởng Trần Duy Đông kiến nghị.

Tổng cục Thống kê cho biết, dự kiến kết quả tính toán chỉ tiêu giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào ngày 29/12 tới đây, tại Họp báo Công bố tình hình kinh tế-xã hội cả nước năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục