Rà soát chính sách thương mại lần thứ 7 của Ấn Độ tại WTO

21:40' - 10/01/2021
BNEWS Việt Nam bày tỏ quan ngại về một số biện pháp thương mại của Ấn Độ đã tạo ra những rào cản và hạn chế thương mại quá mức cần thiết.

Phiên họp Rà soát chính sách thương mại lần thứ 7 của Ấn Độ cho giai đoạn 2015-2020 đã diễn ra từ ngày 6-8/1 tại trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva (Thụy Sỹ) dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã tham gia và phát biểu tại Phiên họp. 

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển. Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam trong thập kỷ qua và đồng thời là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây.

Việt Nam đánh giá cao và chúc mừng Ấn Độ về những thành tựu trong phát triển kinh tế, với tăng trưởng được duy trì ở tốc độ tương đối cao, trung bình 7,36% hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 và 4,2% cho các năm 2019-2020, bất chấp những bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng, căng thẳng thương mại cũng như đại dịch COVID-19.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ những quan điểm chung với Ấn Độ, khẳng định việc tôn trọng các quy tắc thương mại của WTO là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng đang bùng phát và sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực để duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương công bằng và bình đẳng.

Chính vì vậy, chia sẻ một số quan ngại mà nhiều ý kiến của các thành viên khác nêu tại Phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu, Việt Nam bày tỏ quan ngại về một số biện pháp thương mại của Ấn Độ đã tạo ra những rào cản và hạn chế thương mại quá mức cần thiết.

Đại sứ nhấn mạnh, với tư cách là thành viên ASEAN - một đối tác thương mại của Ấn Độ, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Ấn Độ để tìm ra các giải pháp phù hợp cho những vấn đề này; Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như đóng góp vào sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Từ góc độ ASEAN, tại Phiên họp, đại diện ASEAN đã có phát biểu chung của ASEAN, trong đó khẳng định Ấn Độ là một trong những đối tác thương mại quan trọng trong ASEAN, quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng từ quan hệ đối thoại ngành năm 1992 lên quan hệ đối tác đối thoại toàn diện vào tháng 12/1995.

Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN và cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bên ngoài lớn thứ 8 của ASEAN.

ASEAN cũng hoan nghênh kết quả cuộc họp Tham vấn của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ấn Độ lần thứ 17 vào ngày 29/8/2020, trong đó các bên chia sẻ quan điểm coi hệ thống thương mại đa phương là một động lực cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và việc thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ để các bên cùng có lợi.

Bên cạnh đó, phát biểu chung của ASEAN tại Phiên họp cũng nhấn mạnh ASEAN ghi nhận những đóng góp quan trọng của Ấn Độ trong việc tăng cường và củng cố WTO, vấn đề cải cách WTO; ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và hợp tác với Ấn Độ trong việc duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm, minh bạch, không phân biệt đối xử và dựa trên các quy tắc của WTO.

Trong Phiên họp hai ngày, các thành viên WTO đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Điều này đã giúp Ấn Độ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các thành viên WTO bày tỏ tin tưởng rằng những cải cách kinh tế liên tục đã góp phần vào những phát triển tích cực này và dẫn đến cải thiện các chỉ số kinh tế - xã hội, chẳng hạn như thu nhập bình quân đầu người và tuổi thọ; hy vọng rằng kết quả kinh tế tích cực này sẽ giúp Ấn Độ hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và đóng góp lớn hơn cho thương mại thế giới.

Liên quan đến việc Ấn Độ đã thông qua một gói kích thích và ổn định toàn diện để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19, các thành viên WTO khuyến khích Ấn Độ cần đảm bảo rằng các biện pháp này được xây dựng và thực hiện một cách minh bạch và đáp ứng các mục tiêu chính sách hợp pháp, không tạo ra những hạn chế thương mại quá mức; Ấn Độ cần tuân thủ và thực thi đúng nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về những biện pháp kinh tế nêu trên, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các quy định của mình nhằm tránh gánh nặng không cần thiết cho các nhà điều hành kinh tế.

Bên cạnh những đánh giá tích cực, một số ý kiến của các thành viên WTO bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ Ấn Độ áp dụng các rào cản mới đối với thương mại giữa Ấn Độ và phần còn lại của thế giới; cho rằng Ấn Độ có rất ít tiến bộ trong những năm qua về việc loại bỏ các rào cản đối với thương mại, nhiều biện pháp trong số đó đã tồn tại từ lâu và WTO đang chứng kiến sự gia tăng các rào cản thương mại sau sự bùng phát COVID-19.

Một số ý kiến bày tỏ quan ngại về việc Ấn Độ là một trong những thành viên WTO đã sử dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá và tự vệ thương mại; yêu cầu Ấn Độ nên có cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và tự vệ, đồng thời Ấn Độ cần đảm bảo các cuộc điều tra chống bán phá giá và tự vệ phải được tiến hành phù hợp với các quy định của WTO.

Về nông nghiệp, nhiều ý kiến của các thành viên WTO bày tỏ quan ngại sâu sắc về mức độ can thiệp cao của Chính phủ Ấn Độ trong lĩnh vực này; mặc dù thừa nhận vai trò quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp trong việc hỗ trợ kinh tế và an ninh lương thực, tuy nhiên, các thành viên đề nghị Ấn Độ cần cải cách các chính sách nông nghiệp và khuyến khích Ấn Độ tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán về nông nghiệp và trợ cấp thủy sản; kêu gọi Ấn Độ gửi các thông báo một cách thường xuyên lên WTO, đặc biệt là các thông báo liên quan đến trợ cấp xuất khẩu đối với một số nông sản.

Về thuế quan, một số thành viên bày tỏ lo ngại về các vấn đề như sự phức tạp và không chắc chắn của hệ thống thuế quan Ấn Độ, sự gia tăng mức thuế suất nói chung, thủ tục hải quan không thể đoán trước; các yêu cầu về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật SPS phức tạp; lỗ hổng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý; cùng sự thu hẹp khả năng tiếp cận mua sắm chính phủ ở Ấn Độ mặc dù đã có những hiện đại hóa trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực dịch vụ, một số thành viên WTO bày tỏ mong muốn Ấn Độ mở cửa hơn trong các ngành dịch vụ, đồng thời cho rằng sự tham gia tích cực của Ấn Độ vào các cuộc thảo luận đang diễn ra của WTO, như các quy định trong nước về dịch vụ và thương mại điện tử, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Ấn Độ mà hiện nay các ngành dịch vụ đang là động lực.

Ấn Độ đã nhận được sự quan tâm của nhiều thành viên WTO với hơn 1000 câu hỏi từ 32 Thành viên trước Phiên họp và phát biểu của 52 Thành viên tại Phiên họp. Điều này cho thấy các Thành viên WTO rất quan tâm và coi trọng các chính sách và thực tiễn thương mại và đầu tư của Ấn Độ.

Thông qua Phiên họp Rà soát chính sách này, các Thành viên WTO có cơ hội để xem xét một cách chi tiết và toàn diện các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2020./.

>>Australia xem xét đề nghị WTO giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục