Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm hạn chế “tín dụng đen”

14:08' - 28/01/2019
BNEWS Theo Bộ Tư pháp, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không còn phù hợp.
Ngày 25/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 đối tượng để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật liên quan đến tín dụng đen và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Ảnh: Nguyễn Văn Việt - TTXVN

Ngày 28/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý IV năm 2018.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp và lãnh đạo một số cục, vụ thuộc Bộ đã trả lời một số câu hỏi, vấn đề báo chí quan tâm.

Liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ đã tiến hành nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Bước đầu, Bộ Tư pháp nhận thấy, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định này là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự là 20%/năm/khoản tiền vay.

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Đức Hiển, quy định về lãi suất vi phạm theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay.

Hiện nay, nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức bốc họ…

Từ thực tế này, ông Đỗ Đức Hiển cho biết, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập trên.

Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đối với những ý kiến trái chiều liên quan đến quy định cấm ghi âm, ghi hình khi tiếp dân, nếu chưa được sự đồng ý do UBND thành phố Hà Nội ban hành, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã vào cuộc xem xét.

Theo ông Đồng Ngọc Ba, việc các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các cấp ban hành nội quy tại trụ sở tiếp công dân là thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm về tiếp công dân theo quy định tại Luật Tiếp công dân 2013.

Sau quá trình xem xét, rà soát tổng thể, hầu hết cơ quan hiện nay và 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân, nhưng chỉ có một số bộ và 28 địa phương ban hành nội quy có quy định “không được ghi âm, ghi hình khi chưa có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân”.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quy định này đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng gần đây, sau khi thành phố Hà Nội ban hành thì dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.

Khi xem xét về nội dung và thẩm quyền, ông Đồng Ngọc Ba khẳng định, việc Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành nội quy như vậy là thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm do Luật giao.

Về nội dung, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, Luật Tiếp công dân không có quy định cụ thể, cũng không có quy định cấm công dân được tiếp tại trụ sở quay phim, chụp ảnh, ghi âm…

Tuy nhiên, Khoản 8 Điều 6 Luật này quy định nghiêm cấm vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân.

Đồng thời, quy định về nghĩa vụ của người dân tại trụ sở cũng nêu rõ công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tại nơi tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân.

Đặc biệt, đối chiếu với quy phạm pháp luật cho thấy, những nội dung trong các nội quy tiếp công dân tại trụ sở không thuộc loại quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà nó được ban hành theo thể thức văn bản hành chính.

Nội dung chỉ được áp dụng trong không gian, phạm vi nhất định là tại trụ sở tiếp công dân, vì vậy không thuộc phạm vi của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Việc xem xét tính pháp lý, có phù hợp hay không, xử lý như thế nào trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan ban hành nội quy và có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ - cơ quan được Chính phủ giao tham mưu phụ trách việc tiếp công dân”, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh.

Theo ông Đồng Ngọc Ba, trong buổi làm việc trực tiếp với các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, thành phố Hà Nội, đại diện các cơ quan liên quan, các chuyên gia,… Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã khuyến nghị trực tiếp với các đơn vị chức năng trong việc xem xét, rà soát kỹ quá trình thực hiện quy định này để có giải pháp phù hợp, đảm bảo tính hợp lý, chặt chẽ.

Thanh tra Chính phủ cũng cần rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp phù hợp, làm sao bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tại trụ sở tiếp dân, cũng như đảm bảo tính tôn nghiêm, văn minh trong phòng tiếp công dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục