Rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp

19:49' - 22/07/2021
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản về việc chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19.

Ngày 22/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19.

Thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn.

Địa phương có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bảo đảm thúc đẩy sản xuất.

Đối với các loại nông sản vào vụ thu hoạch cần thiết huy động các lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hóa nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là tại các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phục vụ xuất khẩu.

Các địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp gồm: nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, trang thiết bị, thuốc, vaccine thú y…, phục vụ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp và chế biến nông sản, phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động thực vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, cần linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở có chuỗi sản xuất khép kín, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu như Masan, Japfa, CP..., bảo đảm nguồn cung ứng kịp thời các mặt hàng thực phẩm thiết yếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục