Rạn san hô Great Barrier đối mặt với nguy cơ mới

13:28' - 06/06/2017
BNEWS Rạn san hô Great Barrier (Australia) đứng trước nguy cơ tiếp tục bị hư hại khi Tập đoàn khai thác mỏ khổng lồ của Ấn Độ Adani tuyên bố bắt đầu dự án khai thác than đá tại Queensland.
Rạn san hô Great Barrier đối mặt với nguy cơ mới. Ảnh: Reuters

Tập đoàn khai thác mỏ khổng lồ của Ấn Độ Adani tuyên bố sẽ bắt đầu dự án khai thác than đá trị giá 16 tỷ USD tại bang Queensland của Australia, hành động mà các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo sẽ làm hư hại rạn san hô Great Barrier lớn nhất nước này.

Trong một thông báo ngày 6/6, Chủ tịch tập đoàn Adani Gautam Adani tuyên bố ban điều hành công ty đã ra quyết định đầu tư cuối cùng đánh dấu việc chính thức bắt đầu khai thác mỏ than đá Carmichael, được đánh giá sẽ là một trong những mỏ lớn nhất thế giới.

Hàng loạt quy định và rào cản pháp lý đã khiến việc khai thác khu mỏ này bị trì hoãn tới 7 năm và giấy phép cho thuê mỏ mới chỉ được cấp vào năm ngoái.

Dự án còn bị các nhà môi trường học chỉ trích rằng sẽ làm tổn hại đến rạn san hô Great Barrier, khu đa dạng sinh học nằm dọc theo bờ biển phía Đông Bắc Australia, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

Tập đoàn Adani dự định sẽ xuất xuất khẩu than sang Ấn Độ thông qua mỏ than đá ngầm cách Clermont 160 km về phía Tây Bắc, tại trung tâm của bang Queensland và một tuyến đường sắt dài 189 km nối đến cảng. Tập đoàn này ước tính sẽ khai thác được 60 triệu tấn than đá/năm để xuất khẩu.

Mặc dù vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường, song công ty Adani khẳng định vẫn tiếp tục dự án tại khu vực Queensland, cũng như giải quyết vấn đề thiếu năng lượng tại Ấn Độ. Ước tính dự án này sẽ tạo thêm 10.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, với công tác chuẩn bị dự kiến diễn ra vào quý 3/2017.

Rạn san hô Great Barrier là một địa điểm du lịch quan trọng đóng góp hơn 7 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Australia và cũng là sinh kế của khoảng 70.000 dân địa phương.

Rạn san hô trải dài trên 2.600 km dọc bờ biển phía Đông Bắc Australia được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới này đang phải đối mặt với thực trạng bị tẩy trắng ở mức cao kỷ lục trong năm ngoái do nhiệt độ nước biển ấm dần lên trong suốt tháng 3 và tháng 4./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục