Kế hoạch giải cứu rạn san hô Great Barrier của Australia gặp nhiều thách thức

18:33' - 24/02/2017
BNEWS Nỗ lực "giải cứu" rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier của Australia đang phải đối mặt với nguy cơ bị thụt lùi ít nhất 20 năm sau khi hệ sinh thái này phải hứng chịu hiện tượng bị tẩy trắng.
Nỗ lực giải cứu rạn san hô Great Barrier của Australia gặp nhiều thách thức. Ảnh: Reuters

Một bản báo cáo độc lập do Uỷ ban Di sản Thế giới của LHQ công bố ngày 24/2 cho thấy Chính phủ Australia sẽ khó đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch giải cứu Great Barrier trong những năm tới, đồng thời lưu ý hiện tượng san hô bị tẩy trắng "chưa từng có tiền lệ" và chết hàng loạt hồi năm ngoài là "nhân tố thay đổi cuộc chơi".

Báo cáo kết luận mức độ thiệt hại nghiêm trọng cùng tình trạng phục hồi chậm tại hệ sinh thái biển quan trọng này đang "phủ bóng đen" lên Kế hoạch phát triển bền vững rạn san hô Great Barrier tới năm 2050 của Chính phủ Australia, khiến nỗ lực giải cứu di sản thiên nhiên thế giới này khó có khả năng đạt được trong ít nhất 2 thập kỷ tới.

Báo cáo trên trái ngược với những lập luận mà Canberra đưa ra khi cập nhập tình hình của Great Barrier cho Ủy ban Di sản Thế giới hồi năm ngoái, trong đó phủ nhận ý kiến cho rằng hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất hành tinh này "đang chết dần".

Phản ứng trước báo cáo trên, Bộ trưởng Môi trường Australia Josh Frydenberg cho biết Chính phủ Australia đến nay đã "rất thành công" trong việc triển khai kế hoạch giải cứu Great Barrier.

Năm ngoái, rạn san hô Great Barrier đã chứng kiến hiện tượng bị tẩy trắng do tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu, khiến 2/3 dải san hô ở phía Bắc bị chết.

Theo các nhà khoa học, khi nước quá biển quá nóng, san hô phải đẩy tảo sống ra khỏi cơ thể mình, khiến san hô bị vôi hóa, chuyển sang màu trắng và chết đi.

Với việc lệ thuộc quá nhiều vào than đá để sản xuất điện và dân số chỉ vỏn vẹn 24 triệu người, Australia được xem là một trong những nước phát thải khí carbon lớn nhất tính theo bình quân đầu người.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng kế hoạch giải cứu của chính phủ nước này không đủ mạnh để giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh rằng "các mỏ than đá mới đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng" đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Great Barrier.

Ngoài ra, mặc dù Australia cũng đã cam kết dành 1,5 tỷ USD để bảo vệ Great Barrier trong thập kỷ tới, song giới nghiên cứu nhận định các kế hoạch hành động để khôi phục và phát triển hệ sinh thái này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tài trợ.

Các rạn san hô ngầm là một trong những hệ sinh thái biển quan trọng và hữu ích nhất của ngành du lịch và giúp duy trì nghề cá. Rạn san hô Great Barrier là hệ sinh thái sống lớn nhất thế giới, trải dài 2.600 km dọc bờ biển phía Đông Bắc Australia, mang về doanh thu du lịch khổng lồ mỗi năm cho nước này.

Rạn san hô Great Barrier được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. Tuy nhiên, do sự tác động của môi trường, gần 1/4 diện tích san hô của rạn san hô này tại các khu vực phía Bắc xa xôi ở Cairns, Queensland đã bị tổn thương và biến mất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục