Robot: "Cánh tay" đắc lực trong cuộc chiến chống COVID-19

16:12' - 09/04/2020
BNEWS Từng bị định kiến là "những kẻ cắp việc làm", song giờ đây robot đang trở thành "cánh tay" đắc lực trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Từng bị định kiến là "những kẻ cắp việc làm", song giờ đây robot đang trở thành "cánh tay" đắc lực trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhờ tính năng nổi trội của nó, như khả năng chống phơi nhiễm, tốc độ xử lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Vào thời điểm Vũ Hán còn là tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc, một nhóm robot tham gia công tác chăm sóc các bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến. Các robot này có nhiệm vụ phục vụ bữa ăn, đo nhiệt độ và và chuyển thông tin cho đội ngũ y tế chuyên trách.

Một trong số robot có tên "Cloud Gingerd" do CloudMinds sản xuất. Hiện thiết bị này đang được vận hành ở cả Bắc Kinh (Trung Quốc) và California, Mỹ.

Theo Chủ tịch Karl Zhao của CloudMinds, trong quá trình tham gia công tác hỗ trợ chống dịch, robot của hãng đã "cung cấp thông tin hữu ích, tham gia đối thoại, các hoạt động giải trí như nhảy múa, thậm chí còn hướng dẫn người bệnh các bài tập giãn cơ".

Thậm chí, bệnh viện dã chiến "thông minh" còn hoàn toàn được robot điều hành, do một nhóm các nhân viên y tế điều khiển từ xa. 

Dù trung tâm y tế này chỉ chăm sóc bệnh nhân trong vài ngày, song đây có thể là hướng phát triển của tương lai, khi robot hỗ trợ tiếp cận điều trị những bệnh nhân mắc các bệnh lây nhiễm trong khi các nhân viên y tế điều khiển robot giữ được khoảng cách an toàn với bệnh nhân.

Hiện các bệnh nhân tại Thái Lan, Israel và nhiều nơi khác đã có các cuộc tham vấn với các bác sĩ thông qua sự hỗ trợ của robot. Thậm chí những robot này có thể thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cơ bản, như nghe phổi của bệnh nhân.

Dự kiến, bệnh viện Alexandra ở Singapore sẽ sử dụng robot có tên BeamPro để chuyển thuốc và bữa ăn cho các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc những người nghi nhiễm tại các trung tâm cách ly. Bác sĩ và y tá kiểm soát robot bằng một máy tính đặt bên ngoài phòng và đối thoại với bệnh nhân qua màn hình. 

Robot sẽ hạn chế số "điểm tiếp xúc" với bệnh nhân bị cách ly, qua đó giảm thiểu nguy cơ cho nhân viên y tế.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), các máy robot cũng được sử dụng để quét phát hiện hiện virus, như từng được thực hiện tại các khoang trên tàu du lịch Diamond Princess sau khi những hành khách nhiễm virus được sơ tán. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng có thể sử dụng robot để tẩy trùng phòng bệnh hay các tay nắm cửa.

Công ty Xenex của Mỹ cho hay nhu cầu về sản phẩm robot khử khuẩn của hãng đã tăng vọt. Đến nay, robot LightStrike của hãng đã được sử dụng tại hơn 500 cơ sở y tế, với số lượng ngày càng tăng do dịch COVID-19. Hãng Shark Robotics của Pháp sau khi thử nghiệm một robot khử khuẩn hồi tháng trước thì đến nay cũng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Không thể phủ nhận, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nghiên cứu sáng chế robot. Theo Giám đốc nghiên cứu thuộc Hiệp hội công nghệ và người tiêu dùng Mỹ, Lesley Rohrbaugh, con người đang ở thời điểm cần đến công nghệ robot và dường như những lợi ích mà công nghệ này mang lại đáng giá so với chi phí bỏ ra.

Theo ông Rohrbaugh, công nghệ AI, bộ cảm biến cùng với những tính năng được trang bị trong quá trình sản xuất robot có thể đẩy giá thành sản xuất robot lên cao.

Cùng với robot, nhiều cơ quan nghiên cứu đang tìm cách phát triển máy bay không người lái có trang bị bộ cảm biến và camera quét đám đông để phát hiện dấu hiệu của những người có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hiện một nhóm thuộc Đại học Nam Australia đang nghiên cứu phát triển thiết bị hỗ trợ phòng chống dịch này, cùng với sự hợp tác của nhà sản xuất máy bay không người lái Draganfly của Canada.

Theo Giáo sư Javaan Singh Chahl đang giảng dạy tại đại học này, thiết bị một khi được phát triển thành công và đưa vào sử dụng, sẽ có thể xác định sự tồn tại của virus thông qua việc quan sát con người. Thiết bị này có khả năng giúp xây dựng một phần trong hệ thống cảnh báo sớm để xác định cụ thể số liệu người nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Nhóm của ông đang nghiên cứu một thuật toán có thể phát hiện cơn ho, hắt xì trong đám đông cũng như có thể đo thân nhiệt và mạch từ xa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục