Rủi ro nào trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp?

12:44' - 30/08/2021
BNEWS “Điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là phải hiểu rõ nhà phát hành và nhận diện rủi ro đang đầu tư liệu có tương xứng với lợi nhuận thu về”.

Đây là ý kiến của ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bamboo Capital tại buổi đối thoại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp với chủ đề: "Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro" được Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức trực tuyến sáng 30/8.

Buổi đối thoại nhằm đóng góp nỗ lực chung để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bình đẳng và minh bạch. Từ đó, góp phần vào sự cân bằng, bền vững thị trường vốn và tài chính Việt Nam.

Tại đối thoại, ông Phạm Minh Tuấn cũng cho rằng, trong trường hợp nhà đầu tư không thể tìm hiểu rõ được nhà phát hành thì có thể tìm sự trợ giúp của các nhà tư vấn quản lý danh mục đầu tư.

Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính – ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay, hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh, trong khi đó, kinh tế lại đang gặp khó khăn do tác động từ đại dịch COVID-19. Chỉ trong 8 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa và nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, có lẽ số lượng doanh nghiệp bị tạm ngừng kinh doanh có thể lên tới con số 100 nghìn.

“Không ai có thể dám chắc rằng, trong số doanh nghiệp trên không bao gồm những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ suy giảm trầm trọng, chưa nói đến chuyện phá sản”, ông Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia này, đối với nhà quản lý, giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư chính là xếp hạng tín nhiệm. Ông Hiếu cũng đề xuất cơ quan quản lý áp dụng việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện ngay từ đầu năm 2022.

Ông Hiếu cho rằng, đối với nhà đầu tư, đây là giai đoạn khó khăn của kinh tế, không phải lúc để kiếm lợi nhuận bằng mọi giá mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, mô hình các công ty xếp hạng tín nhiệm không phải là phương pháp hoàn hảo, tuyệt đối an toàn cho tất cả thị trường tài chính và cho nhà đầu tư, mà chỉ là biện pháp, công cụ mang tính bổ trợ.

Theo ông Quỳnh, để bảo vệ nhà đầu tư, cần các giải pháp mang tính toàn diện khác; trong đó, có chính sách, khung khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, sự tuân thủ và tính trách nhiệm, chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, nhà phát hành. Đặc biệt là nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải là người chịu trách nhiệm kiểm soát rủi ro cho các khoản đầu tư và nếu nhà đầu tư không hiểu thị trường thì không nên tham gia.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinRating cho rằng, có bốn rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường trái phiếu mà các nhà đầu tư cần nhận diện gồm: rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn; rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt hay  không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.

Thanh khoản trung bình theo ngày của trái phiếu niêm yết là 131,3 tỷ đồng, tương đương với 0,75% giá trị phát hành trên HOSE là 17.530 tỷ đồng. Thanh khoản của thị trường này vẫn ở mức khiêm tốn với tỷ lệ luân chuyển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chỉ ở mức 0,08 lần và đang ở mức rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực.

Nhà đầu tư cũng gặp rủi ro về định giá lãi suất chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất. Ngoài ra, nhà đầu tư còn gặp các rủi ro khác bao gồm: rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…

Để phòng tránh rủi ro, nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng, đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, với quá trình đảm bảo việc thanh toán, nhà đầu tư cá nhân khó xác định trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành.

Chẳng hạn, khi tư vấn nhân viên ngân hàng chỉ thông báo là bảo lãnh trái phiếu, nhưng nhà đầu tư lại dễ hiểu rằng đó là bảo lãnh thanh toán, trong khi ngân hàng lại chỉ bảo lãnh phát hành. Khi phát sinh nguy cơ, doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán sẽ gây ra rủi ro mất vốn đối với người mua trái phiếu.

Theo ông Đức, nhà đầu tư cá nhân nên phải tập hợp lại với nhau, để đôn đốc, chất vấn nhà phát hành, hoặc kiện ra tòa. Pháp lý cũng quy định đòi nợ không được thì kiện ra tòa, thi hành án, nhưng cuối cùng vẫn là doanh nghiệp có tiền để trả hay không mới là điều mấu chốt.

Về phía góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tập trung phát triển thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Bộ Tài chính cũng khuyến khích tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp như quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ hưu trí để cung cấp sản phẩm đầu tư cho nhà đầu tư, tạo ra sản phẩm đầu tư mới cho nhà đầu tư cá nhân tham gia.

Ông Dương cũng cho biết, theo kế hoạch đến năm 2030 sẽ có 5 công ty xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam. Số lượng công ty này được đánh giá là phù hợp với quy mô thị trường tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục