Rủi ro tài chính toàn cầu nhìn từ bức tranh thị trường chứng khoán hỗn loạn

18:50' - 07/08/2024
BNEWS Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa có ngày giao dịch hỗn loạn trên diện rộng, khi các thị trường từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đến các nền kinh tế lớn khác đồng loạt giảm trong ngày 5/8..

Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa có ngày giao dịch hỗn loạn trên diện rộng, khi các thị trường từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đến các nền kinh tế lớn khác đồng loạt giảm trong ngày 5/8 khiến các nhà đầu tư choáng váng và lo lắng.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn nội dung bài viết đăng trên Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 6/8 của tác giả Từ Tường (Xu Xiang), chuyên gia đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và an ninh tại Đại học Thanh Hoa nhận định sự hỗn loạn của thị trường hiện tại có thể chỉ là khúc dạo đầu cho một cơn bão thậm chí còn lớn hơn. Thực trạng này không chỉ bộc lộ tính mong manh của các nền kinh tế lớn mà còn cảnh báo về những rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

 

Bài viết đặc biệt lưu ý biểu hiện của thị trường chứng khoán Mỹ như là một “phong vũ biểu” của thị trường tài chính toàn cầu. Tính đến ngày 6/8, chỉ số Nasdaq đã giảm 6% trong khi chỉ số S&P 500 giảm 3%. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi một số yếu tố như tăng trưởng GDP và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp quý II không như mong đợi, báo cáo tài chính của một số công ty công nghệ lớn cũng không khả quan và thái độ lưỡng lự của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc đưa ra quyết định tăng lãi suất khiến thị trường hoang mang về hướng đi của lãi suất trong tương lai.

Theo bài viết, sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ là hình ảnh thu nhỏ của rủi ro tài chính toàn cầu và lan sang cả thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ số Nikkei 225 giảm khoảng 7% trong một ngày với biên độ dao động của chỉ số tăng 50%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng giảm 8,8%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008. Cổ phiếu của Samsung giảm hơn 10%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008.

Sự đan xen của nhiều yếu tố như khác biệt về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, rủi ro địa chính trị gia tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu, sự mong manh của thị trường mới nổi và tâm lý thị trường biến động… tiếp tục làm trầm trọng thêm rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục thắt chặt chính sách, thắt chặt cung tiền bằng cách tăng lãi suất và cắt giảm mua tài sản để đối phó lạm phát, chấp nhận rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã kết thúc chính sách lãi suất âm dài hạn vào tháng 3 năm nay, nhưng vẫn duy trì môi trường chính sách tiền tệ tương đối lỏng lẻo, tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua lãi suất thấp và mua tài sản. Sự khác biệt về chính sách này đã dẫn đến sự biến động mạnh về tỷ giá hối đoái của đồng euro và đồng yen, khiến thị trường ngoại hối thêm bấp bênh và rủi ro.

Nguy cơ xung đột địa chính trị gia tăng cũng tác động đáng kể đến thị trường tài chính. Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, bất ổn ở Trung Đông gia tăng khiến giá năng lượng tăng liên tục, làm tăng áp lực lạm phát toàn cầu và làm suy yếu niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tác động của các chiến lược địa chính trị gây lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu không những chưa phục hồi hoàn toàn mà còn có nguy cơ bị tắc nghẽn một lần nữa. Điều này đã ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại của ngành sản xuất toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất và khiến chuỗi cung ứng thêm bấp bênh, thậm chí còn có thể cản trở sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, nhiều thị trường mới nổi với nền tảng kinh tế mong manh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nợ nước ngoài cao làm gia tăng áp lực trả nợ trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu không ổn định; lạm phát cao làm xói mòn sức mua và tiếp tục kìm hãm tăng trưởng kinh tế; dòng vốn dần chảy ra khỏi các thị trường mới nổi để đến với thị trường an toàn hơn. Tất cả những yếu tố này làm cho các thị trường mới nổi trở nên rủi ro hơn và suy giảm sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng tài chính.

Bài viết cho rằng để ứng phó, các quốc gia cần tăng cường phối hợp chính sách và củng cố niềm tin thị trường. Một mặt, các nền kinh tế lớn trên thế giới cần tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác càng sớm càng tốt để cùng nhau ứng phó các thách thức kinh tế; ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế, giảm rủi ro địa chính trị và tăng tính chắc chắn của thị trường. Mặt khác, các ngân hàng trung ương cần linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ theo những thay đổi của tình hình kinh tế, tìm sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, tránh thắt chặt hoặc nới lỏng quá mức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục