Rủi ro tiềm ẩn từ mức nợ công gia tăng của Malaysia

05:30' - 27/08/2023
BNEWS Theo giới chuyên gia trong nước, mức nợ của Chính phủ Malaysia vẫn nằm trong kiểm soát và không gây lo ngại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nợ chính phủ cao và ngày càng tăng vẫn có những rủi ro tiềm ẩn.

Theo nhà tư vấn Ching Poy Seng thuộc Công ty Tư vấn châu Á-Thái Bình Dương, tỷ lệ nợ của Chính phủ Malaysia tính đến cuối năm 2022 tương đương 60,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tính cả các khoản nợ ngoài ngân sách và nợ tiềm ẩn, con số này lên tới 1.450 tỷ RM (312 tỷ USD), tức khoảng 80,9% GDP.

Một số quan điểm cho rằng tỷ lệ nợ này vẫn tương đối thấp so với nhiều nước phát triển có tỷ lệ nợ/GDP ở mức ba chữ số. Theo giới kinh tế và chuyên gia trong nước, mức nợ của Chính phủ Malaysia vẫn nằm trong kiểm soát và không gây lo ngại nghiêm trọng. Họ lập luận rằng thị trường trong nước vẫn có thể hấp thụ thêm khoản nợ của chính phủ, trong đó hơn 95% khoản nợ này tính bằng đồng nội địa ringgit nên có rất ít rủi ro tiền tệ. Hơn nữa, hầu hết các khoản nợ thuộc sở hữu của các tổ chức trong nước và không đến hạn sớm.

Tuy nhiên, nợ chính phủ cao và ngày càng tăng vẫn có những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là khi nợ vượt qua ngưỡng nhất định và dẫn đến tăng trưởng chậm lại.

*Rủi ro tháo vốn

Quốc gia có khối nợ khổng lồ thường rất dễ bị tổn thương trước sự thay đổi trong tâm lý thị trường. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009, thị trường đã có cái nhìn "khoan dung" đối với nợ công của Hy Lạp, mặc dù tỷ lệ nợ/GDP của nước này vượt hơn 100%. Tuy nhiên, khi Thủ tướng mới của Hy Lạp tiết lộ vào tháng 10/2009 rằng thâm hụt ngân sách sẽ là 12,5% GDP, tức là gấp đôi con số được báo cáo trước đó, niềm tin của thị trường đã bị lung lay và lợi tức trái phiếu của Hy Lạp bắt đầu tăng nhanh. Hy Lạp sớm nhận ra không thể tiếp cận nguồn tài chính với mức phí hợp lý và cần phải nhờ đến các cơ quan quốc tế giúp đỡ.

Bài học từ cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp là tâm lý thị trường có thể thay đổi nhanh chóng chỉ sau một đêm và các chính phủ mắc nợ nặng nề dễ dàng mất cảnh giác.

*Rủi ro bị hạ bậc tín nhiệm

Các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế lớn như Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s (S&P) đóng vai trò đánh giá mức độ tín nhiệm và rủi ro vỡ nợ của bên đi vay. Các nhà đầu tư thường dựa vào các cơ quan này để quyết định việc sở hữu trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp.

Nếu các cơ quan xếp hạng cho rằng nợ chính phủ của quốc gia cao, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu và không có sự củng cố tài chính, thì họ có khả năng hạ xếp hạng tín nhiệm của quốc gia đó.

Việc hạ cấp này đôi khi có thể diễn ra rất nhanh chóng và mạnh tay. Ví dụ, tháng 12/2009, Hy Lạp vẫn được xếp hạng trạng thái đầu tư và tín dụng cao hơn hai bậc so với mức “rác”. Tháng 4/2010, S&P đã chính thức hạ xếp hạng nợ của Hy Lạp xuống mức “rác” vì triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu và thất bại trong việc đẩy gánh nặng nợ công theo quỹ đạo đi xuống “bền vững”.

Việc hạ cấp nợ chính phủ thường liên quan đến chi phí đi vay cao hơn. Đáng chú ý, việc hạ xếp hạng nợ chính phủ cũng sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng nợ của các tập đoàn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nợ doanh nghiệp phát hành được xếp hạng bằng hoặc cao hơn xếp hạng nợ chính phủ cũng có khả năng bị hạ bậc, mặc dù các yếu tố cơ bản của họ vẫn ổn định. Điều này là do xếp hạng tín dụng của nợ doanh nghiệp thường sẽ không cao hơn nợ chính phủ. Khi đó, các bên cho vay sẽ yêu cầu lợi suất trái phiếu cao hơn để bù đắp rủi ro hoặc sẽ loại bỏ hoàn toàn các trái phiếu này, khiến các công ty trong nước có liên quan rơi vào tình thế khó khăn về tài chính.

Chi phí vốn cao hơn sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của các công ty và họ có thể rút ngắn hoặc cắt giảm các kế hoạch đầu tư, từ đó gây tổn hại cho nền kinh tế.

Các nghiên cứu cũng khẳng định rằng sau khi bị hạ cấp tín dụng, các công ty có xu hướng giảm đầu tư và phát hành trái phiếu, cũng như chi phí đi vay tăng lên. Vì vậy, việc các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ ảnh hưởng đến chính phủ, các công ty và nền kinh tế.

Ví dụ, tháng 12/2020, Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng ngoại tệ của Malaysia xuống BBB+, chỉ cao hơn hai bậc so với mức đầu cơ hoặc trạng thái “rác”. Trong khi thị trường chứng khoán thường thu hút sự chú ý của giới truyền thông, thị trường trái phiếu được cho là quan trọng hơn đối với nền kinh tế Malaysia. Đó là nơi chính phủ và nhiều công ty nhận được nguồn tài chính cần thiết. Quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia rất lớn, gần 2.000 tỷ RM vào năm 2022, lớn hơn nhiều so với quy mô nền kinh tế nước này.

Khi hầu hết các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn hạ bậc tín nhiệm quốc gia, thì thị trường trái phiếu khổng lồ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

*Nguy cơ từ các cú sốc

Trong thời kỳ suy thoái, nợ thường chuyển từ khu vực tư nhân sang khu vực công. Do đó, mức nợ chính phủ tương đối thấp sẽ cho phép chính phủ giảm bớt các cú sốc bất lợi một cách hiệu quả hơn.

Ví dụ, tỷ lệ nợ chính phủ/GDP ở Ireland và Tây Ban Nha lần lượt là 25% và 36% trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Mức nợ chính phủ này thấp hơn mức 60% theo yêu cầu của Hiệp ước Maastricht. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, bong bóng nhà đất bị vỡ, cả hai quốc gia này chứng kiến nợ chính phủ tăng nhanh, vượt ngưỡng 60% khi cả hai chính phủ giải cứu khu vực tư nhân. Tỷ lệ nợ/GDP của Chính phủ Tây Ban Nha là hơn 60% trong năm 2010 và của Ireland là 95% khi nước này giải cứu lĩnh vực ngân hàng của mình.

Nợ công thấp là điều tốt vì nó cung cấp vùng đệm trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, tỷ lệ nợ công của Malaysia chỉ khoảng 30%, nhờ đó có khả năng giải cứu nền kinh tế. Nếu có một cú sốc bất lợi khác diễn ra đối với nền kinh tế, liệu Malaysia có thể giảm bớt cú sốc với mức nợ cao hiện tại?

Chính sách tài khóa trở nên kém hiệu quả và tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng là một nguy cơ cần bàn tới. Nghiên cứu cho thấy nợ chính phủ ban đầu cao có thể khiến chính sách tài khóa trở nên kém hiệu quả trong thời kỳ suy thoái kinh tế, do kỳ vọng thuế cao hơn trong tương lai. Điều này khiến mọi người có tâm lý để dành nhiều khoản tiết kiệm phòng ngừa hơn và giảm tiêu dùng, dẫn đến gây tổn hại cho nền kinh tế.

Các phát hiện từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và các viện nghiên cứu về cơ bản chỉ ra rằng tổng nợ công cao hơn 65% có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế.

 Tổng mức nợ công của Malaysia đang ở mức cao nhất trong phạm vi này. Một số quan điểm có thể cho rằng nợ chính phủ trực tiếp mới là vấn đề quan trọng và mức nợ 60% GDP của Chính phủ Malaysia vẫn có thể kiểm soát được.

Nghiên cứu của Ned Davis, công ty nghiên cứu hàng đầu ở Phố Wall, đã phát hiện ra rằng khi tỷ lệ nợ/GDP của Chính phủ Mỹ trên 53% trong giai đoạn 1953 - 2019, tăng trưởng GDP danh nghĩa, tăng trưởng GDP thực tế, việc làm, năng suất phi tài chính,.. đều chậm lại đáng kể.

Giải thích khác có vẻ khả dĩ hơn cho rằng mức nợ cao và ngày càng tăng thường làm chậm tăng trưởng kinh tế, do hiệu ứng “chênh lệch”, tức là việc trả nợ lấn át các khoản đầu tư và chi tiêu hiệu quả hơn.

Giữ nợ chính phủ dưới giới hạn thận trọng nhất định luôn là điều tốt hơn cả. Giới hạn nợ công thận trọng được quốc tế chấp nhận là 60% GDP. Chính phủ sẽ có nhiều cơ hội điều chỉnh hơn trong trường hợp bất ổn tài chính nếu mức nợ thấp.

Chúng ta thường nghĩ rằng việc tiếp tục kích thích tăng trưởng theo trường phái Keynes là "liều thuốc bách bệnh" cho nền kinh tế. Nhiều chính phủ tiếp tục nợ chồng chất và cho rằng đó không phải là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng nợ thực sự trở thành vấn đề khi nền kinh tế suy thoái và doanh thu chậm lại, trong khi lãi suất tăng lên và ngày thanh toán có thể đến sớm hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục