Rút ngắn khoảng cách từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng

08:20' - 18/11/2022
BNEWS Tỉnh Ninh Bình đã và đang tích cực hỗ trợ hộ sản xuất đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Xác định thương mại điện tử là kênh tiêu thụ nông sản đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất trong bối cảnh 2 năm diễn ra dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khi cao điểm thu hoạch, tỉnh Ninh Bình đã và đang tích cực hỗ trợ hộ sản xuất đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Đây cũng là một trong những nội dung Ninh Bình thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Từ năm 2021 khi dịch bùng phát mạnh đến nay, các sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất nông nghiệp ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mô đã được tỉnh Ninh Bình hỗ trợ quảng bá, giao dịch mua bán trên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel.

 

Tham gia sàn thương mại điện tử, các hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đăng ký, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy phát triển giao dịch thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử.

Bà Lê Thị Thìn, thôn Trinh nữ 3, xã Yên Hoà, huyện Yên Mô cho biết, từ khi sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử, nông dân yên tâm hơn do nông sản được tiêu thụ nhanh, ít xảy ra tình trạng ùn ứ vào mùa cao điểm thu hoạch như trước đây. Qua đó giúp nông dân giữ giá nông sản, không còn bị phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Ngày 15/10/2021, UBND huyện Yên Mô ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn Yên Mô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Huyện Yên Mô phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 70% số hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng tham gia hoạt động trên không gian mạng; 60% số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn thương mại điện tử và 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng/gian hàng số trên sàn thương mại điện tử…

Hiện, huyện đã triển khai ứng dụng (apps) trên thiết bị di động và cung cấp ít nhất 5 hạng mục thông tin (số liệu, thông tin …) qua sàn/apps di động đến các hộ sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Yên Mô cho biết, huyện đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng tham gia hoạt động trên không gian mạng cho các hộ sản xuất tại 17 xã, thị trấn để hỗ trợ bà con biết cách đưa các sản phẩm nông nghiệp bán trên các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời đẩy mạnh lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, sản phẩm đầu vào có uy tín, thương hiệu, tham gia bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử phục vụ nhu cầu sản xuất của các hộ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh việc xây dựng tài liệu, hướng dẫn các hộ đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử bằng nhiều hình thức khác nhau, huyện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Để việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường ra bên ngoài tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có hàng nghìn website thương mại điện tử đang hoạt động. Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã bước đầu phát triển với cả hai hình thức bán lẻ trực tuyến và bán qua các kênh phân phối, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn, hội thảo, diễn đàn về kỹ năng số, thương mại điện tử; kỹ năng quản trị dữ liệu sản phẩm; hướng dẫn triển khai các ứng dụng phục vụ quản lý quy trình, chuỗi sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc… cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Ninh Bình cũng hỗ trợ các sàn thương mại điện tử xây dựng quy trình chuẩn (quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói) để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm bảo đảm cho sản phẩm lưu thông đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất.

Đồng thời, các cơ quan liên quan của tỉnh cũng đẩy mạnh kết nối, rà soát thị trường, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, các cam kết về thuế… để tiếp tục thông tin đến doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh nghiên cứu tham gia sàn thương mại điện tử phù hợp.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu nông sản đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và hỗ trợ cung cấp thông tin về sản phẩm, các thị trường tiêu thụ ở trong, ngoài nước đến hộ sản xuất nông nghiệp và người dân trong tỉnh.

Hiện, tỉnh Ninh Bình có 1.147 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, Ninh Bình đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại đối với 54 sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới".

Tỉnh tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025, có 70% số hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng tham gia hoạt động trên không gian mạng; 60% số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn thương mại điện tử; 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng/gian hàng số trên sàn thương mại điện tử và có tài khoản thanh toán điện tử; 20% số sản phẩm nông nghiệp được gắn mác thương hiệu… Qua đó, ngày càng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khắt khe của thị trường, khách hàng, tăng hiệu quả kinh tế./.

>>>Quảng bá, tiêu thụ hàng Việt qua kênh phân phối trực tuyến

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục