Sa Pa chú trọng phát triển ngành kinh tế 5.000 tỷ đồng

16:54' - 24/02/2017
BNEWS Được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch rất lớn ở phía Bắc, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đặt mục tiêu nâng giá trị sản xuất du lịch đến năm 2020 lên gần 5.000 tỷ đồng.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN

Với với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc” Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai-Tây Bắc đã chính thức được khởi động. Một trong những màu sắc chủ đạo tạo nên bức tranh du lịch Tây Bắc chính là du lịch Sa Pa (Lào Cai). Với những đặc điểm riêng về vị trí địa lý, khí hậu, phong cảnh, văn hóa, trong những năm qua, du lịch Sa Pa đã có sự phát triển nhanh chóng, góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

* Tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn du khách

Thực hiện Đề án Năm Du lịch Quốc gia 2017 Lào Cai-Tây Bắc, huyện Sa Pa đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động rất cụ thể, với nhiều hoạt động hấp dẫn. Theo đó, từng mùa sẽ có những lễ hội độc đáo được tổ chức.

Trong chương trình lễ hội mùa xuân, sẽ có lễ dâng hương đền Hàng Phố, đền Mẫu, đền Thượng; trưng bày báo xuân, trưng bày ảnh; tổ chức hội chợ hoa, cây cảnh và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại trung tâm thị trấn Sa Pa và các khu, điểm du lịch. Có thể kể đến một số lễ hội nổi bật như: Lễ hội hoa Sa Pa, Lễ hội hát giao duyên tại xã Tả Phìn, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao tại xã Bản Khoang, Hội xòe dân tộc Tày tại xã Bản Hồ, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông tại xã San Sả Hồ, Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày tại xã Tả Van.

Đến mùa hè, du khách đến Sa Pa sẽ được xem bắn pháo hoa trong đêm khai mạc Lễ hội mùa hè 2017, tham gia Lễ hội trên mây, Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát, Hội thi múa khèn, sáo của dân tộc Mông, Lễ hội hoa đỗ quyên, Hội chợ ẩm thực vùng cao.

Sang mùa thu, sản phẩm du lịch nổi bật là chương trình Đêm hội trăng rằm, Chương trình khám phá ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa, Lễ mừng cơm mới, Giải Marathon vượt núi quốc tế Sa Pa năm 2017, Cuộc thi ảnh đẹp “Tìm em giữa mây trời Sa Pa”.

Cuối năm 2017, Sa Pa sẽ tổ chức Lễ hội chào đón năm mới-2018 với nhiều hoạt động như: Lễ hội đường phố trình diễn trang phục 6 dân tộc Sa Pa, múa lân, rước đèn; Chương trình khám phá tuyết Sa Pa, các hoạt động văn nghệ, thể thao…

Để có thể tổ chức tốt các hoạt động trên, đồng thời thực hiện mục tiêu đón 1,3 triệu lượt du khách trong năm 2017, các xã trọng điểm về du lịch của Sa Pa đã và đang tích cực trong công tác chuẩn bị. Huyện Sa Pa cũng chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị liên quan, các xã, thị trấn chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức hoạt động theo đúng kế hoạch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch theo phương châm “mỗi doanh nghiệp gắn với một điểm du lịch”.

* Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất vực du lịch đạt 5.000 tỷ đồng

Nằm ở độ cao trên 1.600m so với mực nước biển nên Sa Pa có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 15ºC-18ºC, nhiều khi xuống dưới 0ºC và có năm có tuyết rơi.

Khu du lịch núi Hàm Rồng ở Sa Pa. Ảnh: TTXVN

Cũng do đặc điểm về vị trí địa lý và khí hậu này nên hệ động thực vật trong vùng rất phong phú và điển hình, trong đó có nhiều loài được ghi trong "Sách Đỏ của Việt Nam" như: Báo mây (Neofellis Negulosa), Báo lông đen (Panthera Pardus), Hổ đen (Panthera Tigris)… nhiều loài chim đặc hữu ở Đông Nam Á như chim Cu rốc đít đỏ (Megalaima Lagrandieri), chim Sẻ cổ đỏ (Spizixos Semitorques), chim Bulbul màu hạt dẻ (Hypsispetes Castanotus)… các rừng thông gai (hay Sa mu), Pơ mu, nhiều loại cây thuộc họ Đỗ quyên và Phong lan...

Điểm nhận diện nổi bật nhất của Sa Pa là đỉnh Phan Xi Păng - đỉnh núi cao nhất Đông Dương cách mực nước biển 3.143m và Vườn quốc gia Hoàng Liên đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Sa Pa là cũng là nơi có nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch với những cánh rừng Sa mu xanh ngát xen những biệt thự, nhà thờ cổ kính mang nhiều dáng dấp của các thành phố Châu Âu, các thác nước, hang động, làng bản dân tộc… Đây là nơi sinh sống lâu đời của 6 dân tộc: Kinh, H'Mông, Dao, Tày, Dáy và Xá Phó với nhiều di tích, lễ hội, phong tục tập quán, kiến thức bản địa, và các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Chợ Văn hoá - Giao duyên Sa Pa (chợ Tình).

Sa Pa còn là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Lào Cai, cầu nối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc vùng núi phía Bắc, cầu nối giao thương trọng điểm của Tây Bắc với cả nước và khu vực ASEAN nói chung.

Tận dụng tiềm năng trên, ngành du lịch Sa Pa đã xây dựng và phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, từ nghỉ dưỡng đến du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch hội nghị, hội thảo…

Để hút khách, Sa Pa đã nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, cụ thể là chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các tuyến, điểm du lịch như: Tôn tạo bãi đá cổ, nâng cấp điểm du lịch thác Bạc, xây dựng Khu nghỉ dưỡng Đông Dương; cáp treo Phan Xi Păng…

Bên cạnh đó là đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2011-2015 đạt 1.017 tỷ đồng, đã lập xong quy hoạch chi tiết cho 12 khu trên địa bàn thị trấn và quy hoạch chi tiết 4 trung tâm xã. Nâng cấp thị trấn Sa Pa lên đô thị loại IV vào tháng 8-2012, về sớm 3 năm so với mục tiêu đại hội đề ra, mở rộng diện tích đô thị Sa Pa gấp 2 lần với 4.637 ha. Diện mạo đô thị Sa Pa ngày càng văn minh hiện đại.

Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức quy hoạch, sắp xếp điểm bán hàng tập trung cho người dân địa phương tại một số khu vực, củng cố du lịch cộng đồng, kiện toàn ban quản lý du lịch cộng đồng tại các xã Lao Chải, Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ. Hiện nay, huyện cũng đang tập trung xây dựng hệ thống biển báo, bản đồ hướng dẫn du khách và quảng bá du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến thăm bản, làng.

Nhờ đó, thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh kết hợp với bản sắc văn hóa của các dân tộc của Sa Pa được phát huy có hiệu quả. Lượng khách du lịch đến với Sa Pa liên tục tăng trong nhiều năm.

Năm 2015, Sa Pa đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 2,6 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch năm 2015 đạt 1,320 tỷ đồng, tăng 995 tỷ đồng so với năm 2010. Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tiếp tục là loại hình hấp dẫn và thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2017, Sa Pa đã đón khoảng 35.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Kinh tế du lịch tăng trưởng kéo theo sự phát triển của các dịch vụ lưu trú. Hiện Sa Pa có trên 190 cơ sở lưu trú với 3.200 phòng nghỉ (chưa tính hàng trăm cơ sở lưu trú homestay), tăng 45 cơ sở và 900 phòng so với năm 2010), trong đó có khoảng 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-4 sao. Cùng với đó là hàng trăm nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nghỉ dưỡng và tiêu dùng của du khách.

Bên cạnh đó, du lịch phát triển cũng tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương tham gia vào các khâu dịch vụ: nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch… Ngoài ra, cũng tạo công ăn việc làm cho những người làm đồ thủ công mỹ nghệ làm quà tặng lưu niệm…

Xác định trọng tâm phát triển kinh tế của huyện là phát triển du lịch, trong thời gian tới, Sa Pa sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm khai thác tối đa lợi thế về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu hình ảnh, con người Sa Pa với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Mục tiêu, đến năm 2020, giá trị sản xuất lĩnh vực du lịch đạt gần 5.000 tỷ đồng, số lượt khách du lịch đạt 3 triệu khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục