Sắc xanh chi phối thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua

13:19' - 10/03/2018
BNEWS Sắc xanh là tông màu chủ đạo trên bức tranh chứng khoán Mỹ tuần qua, khi thị trường gần như “bỏ qua” mối lo về một cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu.
Sắc xanh chi phối thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua. Ảnh minh hoạ: AFP

Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 3,5%, chỉ số Dow Jones tăng 3,25% và chỉ số Nasdaq tăng 4,2%.

Trong phiên đầu tuần (5/3), các chỉ số chủ chốt trên Phố Wall đều lên điểm, bất chấp những lo ngại về một cuộc chiến thương mại sau bình luận của Tổng thống Donald Trump viết trên trang Twitter cá nhân. Trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã gắn vấn đề thuế quan, vốn vấp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế hồi tuần trước, với các vấn đề mà Washington đang gặp phải với nước láng giềng Canada và Mexico.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Thuế quan đối với thép và nhôm sẽ chỉ được rút lại nếu một thỏa thuận Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới và công bằng được ký kết”, đồng thời đề cập tới “mức thâm hụt thương mại lớn” của Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên 6/3, dù vẫn có những lo ngại về chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Mỹ Trump. Tuyên bố bất ngờ của ông Trump về việc đánh thuế lên tất cả các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu đã gây ra làn sóng bán tháo trên toàn cầu, nhưng những phát biểu cho thấy Canada và Mexico có thể được miễn trừ đã làm giảm bớt phần nào lo ngại.

Trong phiên giao dịch ngày 7/3, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều, giữa bối cảnh các thị trường đang chịu sức ép từ những tín hiệu mâu thuẫn về chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump sau khi cố vấn kinh tế hàng đầu Nhà Trắng, Gary Cohn, tuyên bố từ chức.

Ông Cohn vốn được biết tới là một người ủng hộ chính sách ôn hòa và thân thiện với các doanh nghiệp, đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa bảo hộ mà người đứng đầu Nhà Trắng đang theo đuổi. Oxford Economics nhận định, sự ra đi của ông Cohn sẽ đánh dấu một "bước ngoặt" đáng chú ý trong chính sách kinh tế của Mỹ.

Tới phiên 8/3, chứng khoán Mỹ được đà đi lên, khi có những tín hiệu từ Nhà Trắng cho thấy ông Trump có thể sẽ bớt cứng rắn hơn trong việc áp thuế nhập khẩu nhôm và thép quyết định cuối cùng, bao gồm việc miễn trừ tạm thời cho Mexico và Canada khi Mỹ đang cùng với hai nước này tái đàm phán NAFTA. Trong lễ ký sắc lệnh đánh thuế nhôm và thép ngày 8/3, Tổng thống Mỹ nói rằng ông lạc quan vào khả năng sẽ đạt được thỏa thuận về hiện đại hóa NAFTA với Canada và Mexico.

Trong phiên cuối tuần (9/3), để ăn mừng sinh nhật thứ chín của “thị trường giá lên”, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều tăng gần 2% và chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục. “Thị trường giá lên”, thuật ngữ chỉ xu hướng tăng giá liên tục của các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bắt đầu từ ngày 9/3/2009. Đây là chuỗi tăng dài ngày thứ hai trong lịch sử.

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 440,53 điểm (1,77%) lên 25.335,74 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 47,6 điểm (1,74%) lên 2.786,57 điểm; còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 132,86 điểm (1,79%) lên 7.560,81 điểm.

Theo các chuyên gia, phiên này, thị trường chứng khoán nhận được hỗ trợ từ số liệu về thị trường việc làm Mỹ và những dấu hiệu lắng dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 9/3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Năm tới sẽ đạt được “bước tiến cụ thể” và giúp nối lại hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng hoan nghênh kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, như "một diễn biến tích cực". Người phát ngôn EU Maja Kocijancic đánh giá tích cực những báo cáo ghi nhận sự sẵn sàng của Bình Nhưỡng trong việc thảo luận nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân cũng như ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian diễn ra đối thoại, nhấn mạnh điều này có thể tạo nền tảng thúc đẩy một giải pháp thông qua đàm phán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục