Sàn chứng khoán Thụy Sỹ hướng sang cổ phiếu Trung Quốc

13:11' - 18/07/2023
BNEWS Sàn chứng khoán Thụy Sỹ đã chuyển sang nguồn kinh doanh mới, đó là niêm yết gián tiếp cổ phiếu của các công ty Trung Quốc.
Trong 12 tháng qua, 14 công ty Trung Quốc huy động được khoảng 4,4 tỷ franc (tương đương 4,9 tỷ USD) bằng cách niêm yết chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) trên sàn giao dịch Thụy Sỹ.

Với SIX Group, công ty quản lý sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Thụy Sỹ, sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc được hoan nghênh khi thúc đẩy doanh thu giao dịch. Năm 2019, sàn của SIX Group bị cấm giao dịch cổ phiếu của các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) sau tranh cãi ngoại giao giữa Bern và Brussels.

Để giải quyết khác biệt về quy định tài chính ở từng quốc gia, SIX cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết GDR – là những chứng chỉ đại diện cho cổ phiếu của một công ty và có thể chuyển đổi sang thành cổ phiếu trong thời hạn khóa 120 ngày. Ý tưởng này hướng đến việc các nhà đầu tư bán GRR cho người khác, sau đó tạo ra thị trường giao dịch thứ cấp cho công cụ tài chính. Tuy nhiên, hình thức này chưa được ưa chuộng, dẫn tới khối lượng giao dịch còn thấp và thiếu doanh thu cho sàn giao dịch. 

Tùy thuộc vào công ty, các nhà đầu tư rút từ 40% đến 70% GDR của họ khỏi thị trường chứng khoán Thụy Sỹ sau thời gian khóa và chuyển chúng thành cổ phiếu bình thường được niêm yết tại Trung Quốc. Các nhà đầu tư kiếm lời từ hệ thống cho phép họ phát hành GDR với giá chiết khấu sang cổ phiếu bình thường và ăn phần chênh lệch khi chuyển chúng thành cổ phiếu công ty. 

Trả lời công ty truyền thông SWI, chuyên gia về luật Christian Schneiter nhận định: “Liệu sẽ có thêm thanh khoản trên thị trường thứ cấp cho GDR trong tương lai gần hay không? Chúng ta cần chờ xem”.

Tương lai hy vọng

Tập đoàn SIX Group kỳ vọng rằng khối lượng giao dịch sẽ tăng khi nhà đầu tư quen với công cụ tài chính mới này. Ông Schneiter cho rằng điểm sáng từ việc Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa chống dịch COVID-19 năm ngoái, đồng nghĩa với việc các công ty tới từ quốc gia Đông Bắc Á sẽ cử nhiều nhóm tới Thụy Sỹ để quảng bá công ty và tìm kiếm cơ hội đầu tư GDR. 

Trong khi đó, ông Gong Weiyun – Giám đốc quản lý chi nhánh Ngân hàng xây dựng Trung Quốc ở thành phố Zurich – quả quyết rằng căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Phương Tây không ảnh hưởng gì tới hoạt động giao dịch chưa được như kỳ vọng của GDR. Trả lời hãng thông tấn AWP, ông Gong Weiyun chia sẻ: “Các nhà đầu tư châu Âu chưa quen về cách thức, người chơi, hay thị phần, tốc độ tăng trưởng và dự án qua GDR. Nếu họ quen với các công ty Trung Quốc và có thông tin, tôi tin rằng khối lượng giao dịch sẽ tăng”.

Về mặt giấy tờ, chương trình kết nối chứng khoán Thụy Sỹ-Trung Quốc, được triển khai từ tháng 7/2022 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho danh sách GDR trên SIX, được đánh giá là có lợi cho đôi bên. Các công ty Trung Quốc có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư ở châu Âu, những người có thể đa dạng hóa danh mục kinh doanh của mình bằng các khoản đầu tư mới. Tập đoàn SIX Group hy vọng có thể thu lời với tư cách trung gian trong giai đoạn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên toàn cầu, trừ Trung Quốc.

Theo hãng tư vấn Ernst & Young, số vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giảm đáng kể ở châu Âu và Mỹ, nhưng vẫn duy trì ổn định tại Trung Quốc trong năm ngoái. Tháng 12/2022, thị phần của Trung Quốc trên thị trường IPO toàn cầu tăng từ 28% trong năm 2021 lên 55% trong năm ngoái. Báo cáo của Ernst & Young nhấn mạnh việc 13 công ty niêm yết ở Thụy Sỹ, trong đó có 8 công ty Trung Quốc. Hoạt động trên thị trường chứng khoán Thụy Sỹ trong năm 2022 phần lớn được định hình bởi các công ty Trung Quốc niêm yết GDR.

Trong năm nay, có thêm 3 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thụy Sỹ, đều là các công ty Trung Quốc. Mới nhất là hãng sản xuất đồ điện tử Kunshan Dongwei huy động vốn ở Thụy Sỹ hồi tháng trước, trong khi có 30 công ty Trung Quốc khác được cho là bày tỏ quan tâm tham gia thị trường ở quốc gia châu Âu này.

Người phát ngôn của tập đoàn SIX Group – ông Jürg Schneider đánh giá: “Đại dịch đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để ngăn chặn gián đoạn nguồn cung trong tương lai, các công ty ngày càng quan tâm tới việc xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương. Vì vậy, GDR đóng vai trò là phương tiện huy động vốn cho những công ty muốn thực hiện chiến lược truyền thống của họ”.

Lợi thế trung lập

Việc các công ty Trung Quốc tiến vào Thụy Sỹ thông qua GDR trùng với thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ, ảnh hưởng tới một thỏa thuận tương tự của Phố Wall, còn được biết đến là Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR). Căng thẳng dường như được giải quyết hồi cuối năm ngoái sau khi Trung Quốc đồng ý cho Mỹ kiểm toán các công ty trong danh sách ADR. Nhưng tại Thụy Sỹ, chính phủ nước này không đưa ra yêu cầu như vậy, họ chấp nhận nguyên tắc kế toán và kiểm toán của Trung Quốc theo chương trình hợp tác giữa hai sàn chứng khoán nêu trên. 

CEO của tập đoàn SIX Group – ông Jos Dijsselhof đã bác bỏ những quan ngại cho rằng Thụy Sỹ có thể bị các công ty Trung Quốc lợi dụng. Ông nhấn mạnh: “Nếu một công ty mắc lỗi, đó sẽ là án tử với cả sáng kiến giữa hai nước”.

Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng đề xuất chương trình hợp tác giữa sàn chứng khoán của nước này với Đức và Anh. Tuy nhiên, các đề xuất không được đón chào nhiệt liệt. Ông Schneiter đánh giá: “Chính trị có thể được cân nhắc khi các bên đưa ra danh sách đề xuất. Việc Thụy Sỹ lâu nay được biết đến với chính sách trung lập đóng vai trò quan trọng”.

Theo đánh giá, GDR cần phải được điều chỉnh để tránh những rắc rối trong tương lai, trước khi có thể được đánh giá là một phương thức thành công. Trung Quốc cũng đang đánh giá cách thức để chấp nhận việc chuyển đổi nhanh GDR thành cổ phiếu thông thường của các công ty. Tập đoàn SIX Group cho biết, cơ quan chức năng ở Trung Quốc đã có động thái hướng đến vấn đề này, nhưng hiện còn quá sớm để nhận định điều này sẽ ảnh hưởng tới hệ thống kết nối chứng khoán của hai nước “vì còn cần làm rõ một số yếu tố liên quan”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục