Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó ra sao trong dịch COVID-19?

15:35' - 20/08/2021
BNEWS Ngày 20/8, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức toạ đàm với chủ đề "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng COVID-19: Giải pháp và kiến nghị ".

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tại thị trường các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… do phải thực hiện giãn cách xã hội.

Thực tế, nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng; hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán. Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác.

Về phía nhà môi giới, dịch bệnh kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của các cá nhân, thậm chí khiến nhiều nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dưới góc nhìn từ chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các chủ đầu tư tới từ áp lực dòng tiền và khả năng trả nợ vay. Bởi, hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác.

Trong khi đó, doanh thu hạn chế do các sự kiện bán hàng phải tạm dừng; kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể kế hoạch thi công xây dựng bị đình trệ do thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chịu áp lực chi phí duy trì hoạt động mà nguồn lực dự phòng cho các hoạt động phục hồi dần cạn kiệt.

Về phía các sàn giao dịch và môi giới bất động sản, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho biết, chỉ riêng các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng gần đây đã có 50% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu dưới 10%.

Qua khảo sát, các doanh nghiệp cho rằng, việc thu hồi công nợ của các chủ đầu tư và các dự án rất khó. Điều này khiến cho dòng tiền của doanh nghiệp bị thu hẹp, có thể dẫn tới kết vốn, không chủ động xoay chuyển dòng tiền để đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bán hàng. Từ đó, ảnh hưởng tới doanh thu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và mới vào ngành cần có hệ thống bán hàng vận hành tốt hơn.

Mặc dù đại dịch đã làm thay đổi hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản, nhưng thị trường vẫn có những điểm sáng. Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, các sàn giao dịch và môi giới bất động sản có thể lạc quan khi nhìn vào mối tương quan của các kênh đầu tư đối với thị trường nhà ở. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm nay, dù đại dịch bùng phát khiến nguồn cung chững lại, song cầu căn hộ bán tại hai thị trường Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh luôn vượt cung. Thậm chí, giá bán sơ cấp đối với văn hộ tiếp tục tăng.

Đồng quan điểm với bà Dương Thuỳ Dung, Phó Tổng giám đốc kênh thông tin batdongsan.com.vn ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, mức độ quan tâm đến bất động sản tại thời điểm này có suy giảm nhưng vẫn cao. Cụ thể, nửa đầu năm 2021, số lượng người hỏi mua hoặc thuê bất động sản hay người đăng tin đều tăng; trong đó, người hỏi mua và thuê bất động sản cao hơn 54% so với cùng kỳ năm 2020.

Đề giải quyết khó khăn trong giai đoạn hiện nay cũng như đón nhận cơ hội về nhu cầu và sự quan tâm đối với thị trường bất động sản, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần điều chỉnh nhanh với sự thay đổi trong hành vi của khách hàng. Đối với các chủ đầu tư hoặc sàn giao dịch bất động sản, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào chu trình bán hàng. Từ đó, mang lại trải nghiệm cũng như tăng khả năng kết nối các khách hàng với dự án trong thời gian giãn cách xã hội.

Đối với DKRA Việt Nam, Tổng Giám đốc Phạm Lâm cho rằng, dù có những điểm sáng song thị trường có thể chứng kiến ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh. Vậy nên, ông Lâm đề xuất, cần có chính sách giảm thuế VAT, giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân hoạt động tại sàn giao dịch và môi giới bất động sản. Để tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi, doanh nghiệp cũng kiến nghị hoãn nộp các loại thế này 6 tháng kể từ khi hoạt động trở lại.

Với vai trò chủ đầu tư bất động sản, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho biết, doanh nghiệp đang điều chỉnh phương án sản phẩm trước khi đưa ra kế hoạch kinh doanh sau khi dịch qua đi. Theo đó, điều chỉnh các chính sách bán hàng đủ hấp dẫn và sát với thị trường để các sàn giao dịch và đội ngũ môi giới dễ dàng đưa sản phẩm đến với khách hàng; đồng thời, khách hàng cũng an tâm giao dịch với thời gian lên tới từ 2 – 3 năm.

Đại Phúc Land đang chủ động nới rộng thời gian thanh toán từ 24 tháng lên 30 tháng, có những sản phẩm tăng lên 36 tháng thanh toán. Lúc này, khách hàng chỉ phải thanh toán khoảng 30% sản phẩm trong vòng từ 5 - 6 tháng đầu và đến khi nhận nhà mới thanh toán phần còn lại.

Đối với các sàn giao dịch và đội ngũ môi giới, doanh nghiệp linh hoạt, kịp thời chi trả chi phí hoa hồng để khâu trung gian duy trì hoạt động và liên kết với chủ đầu tư. Thời gian tới, các chủ đầu tư có thể liên kết, xây dựng kho hàng chung với những sản phẩm uy tín. Từ đó, thu hút sự quan tâm của khách hàng, giúp đội ngũ môi giới hình thành cộng đồng chia sẻ khó khăn, đưa ra các biện pháp bán hàng hiệu quả trong dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục